EVN cần bảo đảm chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt
Sáng 25/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
EVN có đóng góp lớn trong sự phát triển của đất nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của đội ngũ gần 100.000 cán bộ, người lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019.
Thủ tướng cũng chia sẻ với một số khó khăn của ngành Điện trong năm qua như: Phụ tải, nhu cầu điện tăng cao; khô hạn ở nhiều lưu vực trên cả nước, lượng nước về các hồ thủy điện ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đặc biệt trên lưu vực sông Hồng. Cùng với đó, nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện như than, khí gặp khó khăn; nhiều dự án nguồn điện ngoài EVN chậm tiến độ,...
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của nhân dân với sản lượng điện thương phẩm tăng gần 9% so với năm 2018, trong khi EVN chỉ chiếm 54% công suất nguồn điện trong toàn hệ thống.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều ấn tượng nhất là chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện vượt bậc. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt 2 năm so với Nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương EVN về công tác bảo vệ môi trường. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đạt 70%, cao hơn nhiều so với các năm trước (từ năm 2015-2018 đạt 40%). Nhiều đơn vị của EVN đã có sáng kiến, sáng tạo nhằm ngăn chặn phát tán bụi và “xanh hóa” khu vực bãi xỉ, xử lý tro, xỉ nhiễm dầu,...
Thủ tướng đặc biệt biểu dương các lãnh đạo, CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, nỗ lực lao động, khắc phục các khó khăn, phát triển toàn diện Tập đoàn.
Điện phải đi trước một bước
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho EVN: Trong điều kiện nhiều khó khăn, EVN càng phải thể hiện vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung cấp điện, vận hành an toàn hệ thống điện. Có phương án ứng phó với tình hình khô hạn, nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao. Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển điện phải đi trước một bước, điện có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với EVN và các tập đoàn lớn trong công tác điều hành tốt than và khí cho việc cung ứng điện với quan điểm phải ưu tiên than, khí cho sản xuất điện.
Thủ tướng yêu cầu EVN cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư, gồm các nhà máy nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án thủy điện: Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lưới truyền tải đồng bộ, bảo đảm giải tỏa hết công suất các nhà máy năng lượng tái tạo.
Ban Chỉ đạo Phát triển điện lực Quốc gia, UBND các địa phương có đường dây truyền tải điện đi qua cần tạo điều kiện tối đa trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tiến độ các dự án được đảm bảo.
EVN cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, xây dựng ngành Điện tự cường trong bối cảnh hội nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất người dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về giảm thời gian tiếp cận điện năng, Thủ tướng mong muốn không chỉ dừng lại ở top 4 ASEAN, mà ngành Điện Việt Nam còn cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, lấy chỉ tiêu đạt được của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là mục tiêu hướng đến.