Duy Tiên phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Thị xã Duy Tiên có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng du lịch Bắc Bộ và trên tuyến du lịch xuyên Việt, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, vùng địa linh nhân kiệt, giàu tiềm năng tài nguyên du lịch. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Bên cạnh đó, Duy Tiên còn có nhiều phong tục tập quán đẹp, kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc và các làng nghề truyền thống. Với những tiềm năng đó, Duy Tiên có lợi thế phát triển du lịch văn hóa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Thị xã Duy Tiên có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng du lịch Bắc Bộ và trên tuyến du lịch xuyên Việt, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, vùng địa linh nhân kiệt, giàu tiềm năng tài nguyên du lịch. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Bên cạnh đó, Duy Tiên còn có nhiều phong tục tập quán đẹp, kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc và các làng nghề truyền thống. Với những tiềm năng đó, Duy Tiên có lợi thế phát triển du lịch văn hóa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Với những lợi thế, tiềm năng về văn hóa, du lịch, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền thị xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, trong đó một số di tích có giá trị được Nhà nước xếp hạng quốc gia đặc biệt, xếp hạng cấp tỉnh; một số lễ hội lớn được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có di tích đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, là điểm đến trong các tuyến du lịch của Hà Nam và đồng bằng sông Hồng, góp phần giáo dục lịch sử và truyền thống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động du lịch nhằm khai thác các giá trị văn hóa của Duy Tiên hiện nay chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa phát huy, quan tâm đầy đủ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; một số di tích bị xuống cấp không được đầu tư tu bổ, tôn tạo; hiện tượng tự ý tu bổ di tích vẫn còn xảy ra; vệ sinh môi trường trong di tích chưa bảo đảm; việc tuyên truyền, quảng bá, khai thác các giá trị tại một số lễ hội, di tích, làng nghề gắn với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao.

Xuất phát từ thực tế này, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị xã; đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Duy Tiên lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, ngày 4/12/2020, Thị ủy Duy Tiên đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đền Lảnh Giang được đầu tư tôn tạo đã và đang trở thành điểm đến của du lịch tâm linh ở Duy Tiên. Ảnh: Đức Anh

Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU, UBND thị xã ban hành kế hoạch về thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch triển khai đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường trên địa bàn. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành ở thị xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Chú trọng tuyên truyền về phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch văn hóa tâm linh, nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề. Quảng bá du lịch với nhiều hình thức, tăng cường nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết xây dựng, kết nối các tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nhất là các lễ hội lớn thực hiện nếp sống văn minh, trang trọng, an toàn, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động mê tín dị đoan tại lễ hội. Tổ chức lễ hội gắn với các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị các di tích, lễ hội, các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác văn hóa; tăng cường tạo điều kiện tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch…

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 01 đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở thị xã về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ năm 2020 đến nay, hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm chú trọng hơn, đặc biệt các di tích đều tuân thủ quy định về việc thực hiện thủ tục cấp phép trước khi tu bổ, không xảy ra tình trạng tu bổ di tích khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Có 6 di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa, với số tiền gần 30 tỷ, trong đó có hai di tích đang thực hiện tu bổ lớn là đình Hoàn Dương (xã Mộc Bắc), chùa Bạch Liên (xã Trác Văn); hoàn thiện thủ tục xin khôi phục ngôi tháp tại đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam). Năm 2021 có 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, năm 2022 có hai di tích đang triển khai lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích đã được xếp hạng bảo tồn và phát huy được giá trị di tích thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân đến tham quan, chiêm bái (chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang).

Về lễ hội, thị xã đã chỉ đạo tổ chức thành công 3 lễ hội lớn: lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, lễ hội chùa Đọi Sơn và lễ hội đền Lảnh Giang. Đặc biệt, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn nhiều năm được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương về dự và thực hiện nghi lễ tịch điền. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, chu đáo để lại ấn tượng sâu sắc cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, du khách thập phương và nhân dân tham dự. Thị xã cũng phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Nam kiểm kê 231 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thị xã để nắm bắt hiện trạng và đánh giá giá trị di tích đưa vào danh sách bảo tồn, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào điểm đến trong các tuyến du lịch. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Lảnh Giang trong kỷ nguyên số”… Đồng thời phối hợp tổ chức thành công Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam lần thứ VII, năm 2022 tại Đền Lảnh Giang; xây dựng dự thảo Đề án thí điểm không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn thị xã…

Có thể thấy, sau thực hiện Chỉ thị 01 của Thị ủy Duy Tiên, hoạt động bảo tồn, phát huy và quảng bá các di tích, danh lam, lễ hội, sản phẩm các làng nghề truyền thống ở địa phương đã được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở thị xã chú trọng hơn; hoạt động du lịch có bước khởi sắc trở lại. Thị xã đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng để phát triển các loại hình du lịch.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV, Duy Tiên đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại- dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, logistics; nhất là tại khu vực trung tâm đô thị và dịch vụ phục vụ cho phát triển đô thị và công nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch tại các khu, điểm, cơ sở du lịch (chùa Long Đọi Sơn, không gian Lễ hội Tịch điền; đền Lảnh Giang...); phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề... Làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với việc tiêu thụ các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, các loại nông sản, đặc sản của địa phương.

Cùng với đó, đề cao vai trò của các cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33- NQ/TW, ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 16/01/2017 của UBND tỉnh Hà Nam về tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực chống xuống cấp tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Quyết định 1606/QĐ-UBND, ngày 07/9/2018 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó Duy Tiên phát triển theo hướng du lịch tham quan di tích danh thắng; du lịch tìm hiểu văn hóa làng nghề, lễ hội tâm linh; du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, du lịch ven sông Hồng.

Thu Thảo

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/duy-tien-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-103300.html