Đường ống nước 'khủng' xuyên đáy sông Hàn 'giải khát' bờ Đông

Khoan băng sông ở độ sâu 20m so với mặt nước, 10 mét so với đáy theo “thiết bị dẫn đường”, có thời điểm e-kíp thi công đường ống D900 qua sông Hàn, cấp nước cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) phải làm việc liên tục 24/24 giờ để đảm bảo kỹ thuật, không được xảy ra sự cố. Nếu thi công theo cách đánh chìm đường ống, dự án này có thể kéo dài khoảng 3 tháng, phải huy động nhân công và phương tiện rình rang trên mặt sông, thậm chí “phong tỏa” một đoạn sông theo từng thời điểm. Trong khi phương pháp thi công này chỉ hết hơn 20 ngày, người dân hai bên sông, phương tiện đi về giữa lòng sông không hề bị ảnh hưởng.

Đường ống “khủng” đầu tiên băng lòng sông Hàn

Sáng 2-10, đơn vị thi công TNG Corporation từ Bắc Giang đã hoàn thành những công đoạn cuối cùng trong việc kéo đường ống D900 từ bờ Tây qua bờ Đông sông Hàn để bàn giao cho Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) khớp nối đường ống D800 chờ sẵn. Mọi thứ đã sẵn sàng cho việc tăng lưu lượng nước sinh hoạt cấp cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Nhiều người dân sống trên đường Chương Dương, phía Đông cầu Tuyên Sơn hết sức ngạc nhiên khi biết đường ống khổng lồ nhô lên mép bờ sông bắt nguồn từ phía bờ Tây, kéo dài 370m cắt ngang lòng sông ở độ sâu 20m so với mặt nước.

Ông Nguyễn Quang Tập, chỉ huy thi công của TNG Corporation cho biết, đây là công trình ngầm vượt sông bằng công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Đà Nẵng. Ngày 8-9, mũi khoan đặt xuống phía bờ Tây và ngày 27-9 thì đường ống chạm bờ Đông sông Hàn. Tuy nhiên, phải mất thêm mấy ngày để xử lý kỹ thuật, cho ống xuyên qua bờ kè bê-tông trước khi khớp nối với đường ống D800 mà Dawaco đã lắp sẵn. Tổng thời gian để khoan điều hướng, lắp đặt đường ống đặc biệt này chỉ bằng khoảng 1/3 phương pháp dìm ống thông thường. Theo ông Tập, để việc khoan ở độ sâu 10 mét so với đáy sông và 20 mét so với mặt nước được thuận lợi thì phía trên luôn phải có một thiết bị tích hợp dẫn đường. Khi đụng địa chất phức tạp phải điều khiển mũi khoan “né” ra. Để chạy đường ống phải thi công khoan mở rộng mũi khoan đạt đến đường kính D1300. Trong quá trình khoan mở rộng đường kính, sẽ đồng thời bơm hóa chất tạo vách chống sạt lở lỗ khoan rồi mới tiến hành kéo ống. “Chúng tôi đã huy động máy đào để nâng và dìu ống, giảm tải cho máy kéo. Muốn tạo đường đi thuận lợi và ổn định, phải sử dụng máy khoan tạo vách và máy kéo có sức khéo 100 tấn”, ông Tập cho biết.

Theo đơn vị thi công, phương pháp khoan kéo xuyên lòng sông này mới được áp dụng ở Việt Nam. Gần đây nhất TNG Corporation thực hiện khoan 492m xuyên sông Vàm Cỏ Đông và 350m xuyên sông Vàm Cỏ Tây tại Long An, nhưng đường ống nhỏ hơn. Tại Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên áp dụng, với đường ống lớn nhất trong hệ thống ống cấp nước của Dawaco. Ông Nguyễn Quang Tập tính toán, nếu thi công theo phương pháp đánh chìm truyền thống thì công trình này có thể kéo dài tới 4 tháng nếu thời tiết thuận lợi, và chi phí có thể đội lên rất nhiều. Ngoài ra, nếu đánh chìm thì đường ống này chỉ nằm được ở độ sâu 3 mét so với đáy sông; phải huy động phương tiện, con người, ảnh hưởng đến môi trường và việc đi lại của tàu thuyền trên sông Hàn trong một thời gian dài.

Việc lắp ráp, khớp nối đường ống đã hoàn thành, sẵn sàng cung cấp nước sinh hoạt cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Việc lắp ráp, khớp nối đường ống đã hoàn thành, sẵn sàng cung cấp nước sinh hoạt cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Nhiều lợi ích cho khu vực bờ Đông

Ông Hồ Minh Nam - Phó tổng giám đốc Dawaco cho biết, dự án kéo đường ống D900 vượt sông Hàn để tăng lưu lượng cấp nước cho khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục 370m qua đáy sông Hàn do TNG Corporation thực hiện là 10 tỷ đồng và 320m đường ống D800 ở hai bờ Đông - Tây để nối vào hệ thống cấp nước hiện hữu là 7 tỷ đồng. Công trình được thi công bằng phương pháp khoan kéo là giải pháp thi công tiên tiến nhất hiện nay mà Dawaco áp dụng đối với đường ống đặc biệt này. Theo tính toán của Dawaco, nếu thi công bằng phương pháp đánh chìm thì phải thực hiện đập 2 bờ kè ở 2 bên sông Hàn để thả đường ống. Trong quá trình thi công phải huy động sà lan, tàu kéo, máy xúc, có phương án đảm bảo giao thông thủy nội địa. Riêng các hạng mục này có thể lên đến nửa tỷ đồng. Chưa nói việc đào mương để dìm ống sẽ gây ra ô nhiễm, nếu gặp địa chất phức tạp hoặc mưa bão thì thời gian và chi phí đội lên rất nhiều. Sau khi hoàn thành sẽ phải lặn xuống để nghiệm thu. Không chỉ lãng phí thời gian, công sức của nhà đầu tư mà cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích xã hội.

Theo ông Nam, UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho Dawaco đến ngày 20-10 sẽ bắt đầu đưa đường ống này vào sử dụng, trở thành tuyến ống chính chuyển tải nguồn nước cung cấp cho khu vực hai quận ven biển là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Do nhu cầu sử dụng nước tăng cao với sự phát triển mạnh các cơ sở dịch vụ du lịch ven biển, trong những năm qua phía bờ Đông thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trước khi có đường ống này, tổng lưu lượng nước cấp cho hai quận là 60.000 - 70.000m3/ngày đêm. “Đường ống D900 vừa được kéo vượt sông Hàn thành công, khi đi vào hoạt động sẽ cấp bổ sung cho 2 quận phía Đông khoảng 30.000m3/ngày đêm, nâng tổng lượng nước cấp cho khu vực này đạt 90.000 - 100.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân và các cơ sở dịch vụ”, ông Nam tính toán.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_213648_duong-ong-nuoc-khung-xuyen-day-song-han-giai-khat-bo-dong.aspx