Đường hầm bí mật của Hamas khiến Israel phải 'tương kế tựu kế'

Israel hôm 14/5 đã tung hỏa mù khiến truyền thông đưa tin lực lượng quân sự của họ sắp đổ bộ Dải Gaza. Động thái này được cho là nhằm dẫn dụ lực lượng Hamas lui vào đường hầm.

Giới chức Israel hôm 14/5 tiết lộ các cuộc tấn công mới nhất tại Dải Gaza là nhằm vào một mạng lưới đường hầm đặc biệt của lực lượng Hamas.

Quân đội Israel cho biết họ đã triển khai 160 chiến cơ để tấn công hơn 150 mục tiêu ngầm ở phía bắc Dải Gaza, tập trung vào khu vực Beit Lahiya. Các cuộc không kích có mục đích triệt phá mạng lưới đường hầm do lực lượng Hamas sử dụng, theo Washington Post.

Hiện trường một cuộc không kích tại Dải Gaza. Ảnh: AP.

Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Israel đã thông báo họ sẽ triển khai bộ binh ở Dải Gaza. Một số hãng truyền thông suy luận rằng tuyên bố này nhằm “dẫn dụ” lực lượng Hamas hoạt động trong đường hầm.

Tuyên bố hôm 14/5 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ám chỉ khả năng này.

“Chúng tôi đã tấn công các mục tiêu dưới lòng đất. Phía Hamas nghĩ rằng họ có thể trú ẩn dưới đó. Họ không thể làm vậy”, ông Netanyahu phát biểu. “Các chỉ huy cấp cao của Hamas nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi vòng vây. Họ không thể trốn thoát đâu”.

Hệ thống đường hầm

Sau khi nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, lực lượng Hamas lần đầu sử dụng đường hầm để đáp trả lệnh phong tỏa của Israel. Ban đầu, họ dùng đường hầm để vận chuyển hàng hóa, phục vụ các hoạt động giao thương.

Sau đó, đường hầm được sử dụng cho những mục đích chiến lược hơn. Năm 2006, lực lượng Hamas dùng đường hầm để bắt Gilad Shalit, một người lính Israel. Shalit bị giam giữ suốt 5 năm, cho đến khi được phóng thích theo một thỏa thuận trao đổi tù nhân vào năm 2011.

Israel từng nhiều lần cáo buộc các tay súng Palestine đào đường hầm ở Dải Gaza. Các hãng truyền thông chưa thể xác minh thông tin về hệ thống đường hầm, song nhiều chỉ huy của lực lượng Hamas đã xác nhận điều này khi tham gia phỏng vấn.

Cụ thể, phía Hamas miêu tả hệ thống đường hầm là “sự đổi mới”, đồng thời nhấn mạnh vào tính phòng thủ của nó. Hamas còn tuyên bố họ có nhiều đường hầm dự phòng, ngay cả khi quân đội Israel nỗ lực phá hủy hệ thống chính.

Một đường hầm của lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Ảnh: IDF.

Trong Chiến tranh Gaza năm 2014, lực lượng Hamas đã công bố đoạn video ghi hình nhiều chiến binh đeo mặt nạ, mang vũ khí tự động và súng phóng lựu hoạt động dưới lòng đất. Cùng thời điểm này, giới chức Israel cho biết họ bị các chiến binh Hamas phục kích bằng đường hầm.

Sau cuộc chiến năm 2014, khoảng 30 đường hầm của Hamas đã bị phá hủy hoàn toàn. Song họ cũng xây dựng thêm 1.300 đường hầm kể từ năm 2007, với chi phí lên đến 1,25 tỷ USD, dẫn thông tin từ quân đội Israel.

Giới chức Israel tiết lộ hệ thống đường hầm hiện tại giúp lực lượng Hamas di chuyển trong Dải Gaza, thay vì để di chuyển vào và ra khỏi khu vực này như trong quá khứ.

Sau khi chiếm được một vài đường hầm, quân đội Israel từng đưa báo giới đến tham quan và đưa tin. Theo các phóng viên, những đường hầm này có kiến trúc đáng ngạc nhiên với tường bê tông, thiết bị điện và xe vận chuyển.

Đối sách của Israel

Thủ tướng Israel Netanyahu từng nêu nhiều giả thuyết về khả năng thực hiện những phi vụ mờ ám của đường hầm của Hamas. Các chuyên gia cho rằng hệ thống đường hầm có thể gieo rắc nỗi sợ, sự hoang mang cho đối thủ. Giáo sư lịch sử Gerard De Groot tại Đại học St Andrews nhận định đường hầm thường gợi lên những nỗi sợ hãi bí ẩn.

Các tướng lĩnh Hamas cũng không giấu giếm sự tự hào về quy mô của mạng lưới đường hầm. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận hệ thống đường hầm của Hamas rất phức tạp.

Một đường hầm của lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Ảnh: IDF.

Theo bài viết của Rami Abu Zubaydah thuộc Viện Nghiên cứu Ai Cập, chiến binh Hamas từng tiết lộ nhiều loại đường hầm chuyên dụng cho các mục đích chiến lược, bao gồm đường hầm chiến đấu hay kho ngầm cất giữ tên lửa và vũ khí.

Trước sự lợi hại từ hệ thống đường hầm, quân đội Israel đã đưa ra nhiều đối sách, như xây dựng một bức tường ngầm. Dự án tham vọng này mới hoàn thành vào tháng 3 sau nhiều năm thi công. Đến nay, giới chức Israel vẫn chưa công khai thông tin chi tiết về bức tường.

Phát biểu bên lề hội nghị của Ủy ban Các vấn đề Công Israel (AIPAC) tại Mỹ vào năm 2018, một quan chức quân đội Israel cho biết nước này đã trang bị những kỹ thuật tân tiến để xác định hệ thống đường hầm. Ngoài ra, phía Israel cũng có một số loại vũ khí hoạt động ngầm.

Giới chức Israel tuyên bố đợt tấn công mới nhất ở Dải Gaza là nhằm tiêu diệt các thành viên cấp cao của Hamas, bao gồm những người chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống đường hầm nói trên.

“Chúng tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi của họ, sau khi họ mất khoảng 100 người đồng đội trong vài ngày qua”, phát ngôn viên quân đội Israel Hidai Zilberman tuyên bố sáng ngày 14/5.

Trong khi đó, Hamas và mà nhóm Hồi giáo Jihad nhỏ hơn chỉ thừa nhận 20 thành viên thiệt mạng.

Tại Dải Gaza, ít nhất 145 người đã mất mạng kể từ ngày 10/5, trong đó có 41 trẻ em. Các quan chức y tế cho biết đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 2014.

Các nhóm vũ trang Palestine cũng đã bắn trả ít nhất 2.300 quả rocket vào Israel, giết chết 10 người, trong đó có một trẻ em và một binh sĩ.

Tên lửa Israel san phẳng tòa nhà có văn phòng AP, Al Jazeera ở Gaza Cuộc không kích của Israel hôm 15/5 đã phá hủy hoàn toàn một tòa nhà cao tầng, nơi đặt trụ sở văn phòng của Al Jazeera và AP ở Dải Gaza.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-ham-bi-mat-cua-hamas-khien-israel-phai-tuong-ke-tuu-ke-post1215764.html