Đừng xem thường những clip review phim nhảm nhí
Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... người dùng thường xuyên bị 'tấn công' bởi những đoạn phim review ngắn với nội dung đầy bạo lực, kịch tính phi thực tế và mang nặng tư tưởng trả thù. Những bộ phim này không chỉ làm méo mó nhận thức giới trẻ mà còn tiềm ẩn nguy cơ kích động hành vi bạo lực trong xã hội.
"Chiến thần trở về" - mô-típ câu view độc hại
chỉ cần lướt vài phút trên Facebook hay TikTok, không khó để bắt gặp những đoạn video với tiêu đề: "Chiến thần phương Bắc trở về", "Thượng sư chí tôn xuất thế", "Giao hàng không ai ngờ là đại ca", "Bảo vệ âm thầm là chiến thần", hay "Người giúp việc là võ lâm cao thủ ẩn danh"... Điểm chung của các phim này đều được cắt ghép ngắn gọn từ các bộ phim lẻ hoặc phim mạng Trung Quốc rồi thêm thuyết minh kịch tính, giọng đọc dồn dập, tạo cảm giác gay cấn, hấp dẫn, dễ thu hút người xem.
Một mô-típ quen thuộc thường thấy: nhân vật chính ban đầu xuất hiện trong vai một người yếu thế - có thể là anh giao hàng, tài xế xe ôm, nhân viên tạp vụ hay người thân của một gia đình bị đối xử tệ bạc. Anh ta bị sỉ nhục, bị đánh đập, người thân bị hành hạ, rồi sau đó bất ngờ "hiện nguyên hình" là một "chiến thần", "vua giới ngầm", hoặc "tướng quân hồi hưu" có sức mạnh kinh thiên động địa. Cái kết luôn là màn trả thù đẫm máu, không khoan nhượng - kẻ ác bị xử lý bằng cách đánh đập tàn bạo, thậm chí bị giết chết. Người hùng thì rũ bỏ lớp áo bình thường, trở lại làm "lão đại", lãnh đạo cả một bang phái hùng mạnh hoặc trở thành đại gia quyền lực.
Nhiều tựa phim còn lấy tên giật gân, gây hiểu lầm như: "Một lần nhịn, chín lần nhục - Chiến thần nổi giận", "Đụng nhầm người giao hàng là chiến thần ngầm", "Chú xe ôm là bố nuôi của lão đại", "Sát thủ hoàn lương, quay lại trừng trị kẻ ác"... Có khi chỉ trong 30 giây, người xem đã phải chứng kiến cảnh đánh đấm, trả thù tàn độc như trong một trận chiến.

Những bộ phim review nhảm nhí trên các nền tảng mạng xã hội...
Từ phim trên mạng đến... bạo lực ngoài đời thực
Điều đáng lo ngại là giới trẻ, nhất là các em nhỏ chưa có khả năng nhận định đúng sai, thường bị cuốn theo lối dẫn dắt cảm xúc ấy. Một kẻ bị sỉ nhục, bị đánh đập, nếu phản kháng bằng cách... đánh trả tàn độc, "xử đẹp" đối phương, lại được tung hô là "anh hùng", "soái ca báo thù”, "chiến thần không độ trời chung". Đáng nói hơn, phần bình luận dưới các video ấy không hề thiếu lời cổ vũ, thậm chí còn đòi "ra tay mạnh hơn", "cho nó biết tay", "một đấm một mạng cũng đáng". Những suy nghĩ như thế đang vô tình biến bạo lực thành một điều hiển nhiên, thậm chí là một cách... giải quyết vấn đề hợp lý trong mắt không ít người trẻ.
Cứ thế, cái ác được mỹ miều hóa bằng danh xưng "chính nghĩa", còn luật pháp - nơi giải quyết đúng sai một cách công bằng - lại bị xem là chậm chạp, vô dụng. Đó chính là mầm mống khiến không ít vụ việc ngoài đời thực trở nên nghiêm trọng hơn. Một cái va quẹt giao thông cũng có thể dẫn đến việc hai bên đánh nhau, thậm chí kẻ thủ dao chờ sẵn trong cốp xe để "xử lý”. Một vụ mâu thuẫn cá nhân trong quán nhậu, thay vì gọi công an can thiệp, lại được giải quyết bằng nắm đấm, dao găm, chai bia vỡ nát... Rồi từ một status cà khịa trên mạng, kéo ra cả nhóm để "hỏi chuyện" và kết thúc bằng một vụ ẩu đả có người trọng thương, phải nhập viện.
Sự lan truyền những nội dung bạo lực được ngụy trang bằng mô-típ "trả thù chính nghĩa" không còn là câu chuyện giải trí đơn thuần. Nó đang tác động âm thầm nhưng dữ dội đến cách hành xử ngoài đời, làm xói mòn niềm tin vào pháp luật, khuyến khích phản ứng bản năng và phi lý trí trong các xung đột xã hội thường ngày. Nếu không có sự vào cuộc kiểm soát từ cơ quan chức năng, những nội dung độc hại kiểu này sẽ tiếp tục lây lan, góp phần hình thành một thế hệ cư xử bằng nắm đấm thay vì bằng lý lẽ. Nội dung những video này đều theo một công thức quen thuộc: thấp hèn - bị áp bức - chịu nhục - hồi sinh quyền lực - trừng phạt. Không ít người xem gọi đùa đây là "dòng phim chiến thần trả thù”, tuy nhiên, phía sau những thước phim tưởng như vô hại lại là một thứ độc dược văn hóa đang len lỏi vào đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Điều đáng lo ngại là các nội dung review dạng "chiến thần trả thù” không dừng lại ở mức giải trí, mà có nguy cơ trở thành ngòi nổ kích thích hành vi bạo lực trong thực tế. Trên các hội nhóm mạng xã hội, không ít bình luận mang tính cổ vũ cho các hành vi "ăn miếng trả miếng", "bị xúc phạm thì phải trả thù”, "phải đánh cho nó biết mặt"... Thậm chí, có những đoạn clip người xem chia sẻ với thái độ hào hứng: "Thằng này giống mình hồi xưa, nhịn hoài rồi giờ cho một bài học!", "Xem mà sướng người, kẻ ác phải bị trừng trị thế mới đã!"...
Thống kê của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho thấy, chỉ riêng trong quý đầu năm 2025, đã có hơn 18.000 video dạng review phim có yếu tố bạo lực, trả thù được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam. Trong đó, hơn 60% nội dung đến từ các kênh "săn trend" vô danh, không kiểm duyệt nội dung.
Điều này phản ánh một thực tế: người xem đang bị dẫn dắt bởi thứ cảm xúc dễ dãi - thích chứng kiến người yếu thế vùng lên, kẻ xấu bị đánh gục - nhưng lại quên mất ranh giới giữa công lý và bạo lực, giữa luật pháp và tự xử.

...Và hậu quả ngoài đời
Liên hệ đến đời thực, không ít vụ việc bạo lực xảy ra trên nền tảng những va chạm nhỏ, nhưng lại được đẩy lên đỉnh điểm vì tâm lý "phải trả thù cho bằng được". Điển hình như vụ việc ngày 3/3/2025 tại Q.8, TP.HCM: hai thanh niên va quẹt xe máy, thay vì xử lý nhẹ nhàng, một người đã quay clip tung lên TikTok kèm chú thích: "Va chạm với chiến thần phố cổ, cái kết không ngờ". Ngay sau đó là màn ẩu đả giữa hai bên, một người nhập viện vì chấn thương sọ não. Vụ việc khiến cư dân mạng rúng động không chỉ vì mức độ nghiêm trọng mà còn vì thái độ thách thức, tán dương của nhiều người bình luận phía dưới.
Hay gần đây tại Q.12, TP.HCM, một nhóm thanh niên đeo mặt nạ, mang theo hung khí đuổi đánh đối thủ sau khi phát hiện người này... "bình luận dạo" vào video chiến thần của họ với lời lẽ xúc phạm. Camera khu dân cư ghi lại hình ảnh nhóm này đánh hội đồng đối phương, rồi quay clip tung lên mạng với tiêu đề "Dám nói xấu chiến thần? Đây là cái giá phải trả!". Công an đã mời làm việc toàn bộ nhóm, đồng thời cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ lan truyền văn hóa trả thù qua mạng xã hội.
Cũng không thể không nhắc đến hiện tượng trẻ vị thành niên thần tượng hóa các "chiến thần mạng" và tái hiện lại hành vi trong môi trường học đường. Một giáo viên trường THCS tại Bình Dương chia sẻ: "Tôi từng phát hiện học sinh lớp 8 lập nhóm kín với tên "Tổ đội chiến thần", mô phỏng theo phim. Các em chia vai ai là đại ca, ai là phản bội, rồi phân vai đánh nhau trong giờ ra chơi. Có em còn tự chế gậy gỗ, vỏ chai nước làm hung khí. Khi hỏi lý do, các em nói xem trên mạng thấy ngầu, muốn làm theo."
Rõ ràng, không thể xem thường ảnh hưởng của những đoạn phim vài chục giây tưởng như "cho vui" này. Chúng không chỉ góp phần làm xói mòn văn hóa ứng xử, mà còn gieo vào đầu lớp trẻ tư duy lệch lạc: rằng trả thù là cách giải quyết xung đột, rằng bạo lực là con đường đi đến công lý.
Cần bàn tay kiểm duyệt mạnh mẽ
trước thực trạng trên, các chuyên gia văn hóa và công nghệ thông tin cho rằng, đã đến lúc cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ Bộ Thông tin - Truyền thông đến công an mạng, nhằm ngăn chặn sự lan truyền của nội dung độc hại trên các nền tảng.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh, chuyên gia truyền thông xã hội, cảnh báo: "Những video có yếu tố bạo lực trá hình, đặc biệt là gán mác "review phim", đang vượt khỏi giới hạn giải trí. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người xem mà còn hình thành nên một dạng văn hóa lệch chuẩn. Nếu không kiểm soát chặt, hậu quả sẽ rất khó lường".
Hiện nay, một số nền tảng như YouTube, TikTok đã có bộ lọc từ khóa và báo cáo người dùng, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Nhiều video gắn thẻ "giải trí”, "phim ngắn", "phim cảm động" nhưng lại chứa đựng nội dung trả thù, bạo lực. Việc này đòi hỏi các nền tảng phải tăng cường công nghệ nhận diện nội dung, đồng thời cần sự kiểm tra thường xuyên từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, trách nhiệm cũng thuộc về người dùng. Cộng đồng mạng cần tỉnh táo nhận diện và không chia sẻ, cổ súy cho những video độc hại. Mỗi lượt xem, mỗi lượt chia sẻ vô tình trở thành nguồn tiếp sức cho những nội dung lệch lạc tiếp tục sinh sôi.
Trong bối cảnh văn hóa số phát triển mạnh mẽ, mỗi cá nhân - đặc biệt là giới trẻ - cần được trang bị kỹ năng sàng lọc thông tin, nhận biết nội dung độc hại. Những bộ phim mạng có thể không giết người bằng dao, nhưng chúng âm thầm giết chết lòng tin vào công lý, pháp luật. Một xã hội văn minh không thể để công lý nằm trong tay những "chiến thần" mạng xã hội.