Dựng hiện trường giả 'đổ tội' con dâu trộm vàng: Bài học về cách ứng xử trong gia đình
Chuyên gia nhận định, việc dựng chuyện để đẩy người thân, ruột thịt vào vòng lao lý là hành vi cần phải lên án mạnh mẽ để ngăn chặn, tránh những câu chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.
Dựng hiện trường rồi "đổ tội" con dâu lấy trộm vàng
Mới đây, Công an huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã giao cho Công an xã Xuân Hưng xử phạt hành chính đối với Mai Văn T. (SN 1950) và Mai Ngọc A. (SN 1990) cùng trú tại xã Xuân Hưng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi báo tin giả.
Trước đó, tối 21/7, Công an huyện Thọ Xuân nhận được tin báo của ông Mai Văn T. (SN 1950), trú tại thôn Xuân Phú, xã Xuân Hưng về việc gia đình bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản là tiền và vàng.
Theo trình báo của ông T,, chiều cùng ngày, con trai ông là Mai Ngọc A. (SN 1990) đi làm, ở nhà chỉ có vợ chồng ông T. và chị Lê Thị T. (SN 1996, là vợ Mai Ngọc A.) và con gái của Ngọc A.
Khoảng 17h cùng ngày, vợ chồng ông T. sang nhà con trai (là Mai Ngọc Th) để ăn cơm, còn chị T. và con ở nhà. Đến 18h30 cùng ngày, vợ chồng ông T. về nhà thì không thấy mẹ con chị T. đâu.
Theo ông T., trong nhà phát hiện cửa buồng ngủ bị phá, tủ quần áo bị cạy, kiểm tra tài sản phát hiện bị mất 5 chỉ vàng 9999 và 10 triệu đồng. Ông T. đã gọi điện cho Mai Ngọc A. về, sau đó trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Nhận được tin báo, Công an huyện Thọ Xuân đã vào cuộc điều tra, xác minh số tài sản bị mất và những người liên quan. Tuy nhiên, qua xác minh hiện trường và lời khai của bố con ông T., cơ quan công an nhận định có nhiều điểm không chính xác, nghi vấn tạo dựng hiện trường giả.
Tiến hành đấu tranh với bố con ông T., cả hai khai nhận đã tự tạo hiện trường giả vụ trộm vàng để đổ tội cho con dâu (vợ của Mai Ngọc A.).
Hành vi thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi của các đối tượng nêu trên là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Mặt khác hành vi của bố con ông T. không chỉ là việc báo tin giả mà còn có dấu hiệu của tội "Vu khống". Theo quy định tại Điều 156 (Bộ luật hình sự) thì hành vi "Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền" là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
"Hành vi này có thể dẫn đến oan sai cho người vô tội, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị vu oan, gây nhiễu loạn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh tin báo, thể hiện thái độ coi thường pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Theo chuyên gia pháp lý này, hành vi này không đòi hỏi hậu quả xảy ra (không cần hậu quả là người bị vu khống bị kết tội oan) đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đối với tội "Vu khống", cơ quan điều tra chỉ khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại. Vì lẽ đó, trong câu chuyện trên, nếu người con dâu có yêu cầu, cơ quan công an sẽ xem xét xử lý.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng câu chuyện trên thực sự là một bài học cảnh tỉnh đắt giá cho nhiều người về cách ứng xử trong cuộc sống gia đình. Việc dựng chuyện để đẩy người thân, ruột thịt vào vòng lao lý là hành vi cần phải lên án mạnh mẽ để ngăn chặn, tránh những câu chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.