Đức và Trung Á xích lại gần nhau: Lợi cả đôi bên

Ưu tiên về hợp tác kinh tế, cân nhắc về địa chính trị đang kéo Đức và các quốc gia Trung Á xích lại gần nhau hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các nước Trung Á tại Astana, ngày 17/9. (Nguồn: NCA)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các nước Trung Á tại Astana, ngày 17/9. (Nguồn: NCA)

Với hai điểm đến là Uzbekistan và Kazakhstan từ ngày 15-17/9, ông Olaf Scholz trở thành Thủ tướng Đức đầu tiên thăm Trung Á sau nhiều thập kỷ. Bên cạnh hoạt động song phương, nhà lãnh đạo này đã dự Thượng đỉnh Trung Á-Đức với nguyên thủ các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan tại Astana.

Nỗ lực đa cực

Đây là Thượng đỉnh Trung Á-Đức lần thứ hai. Sự kiện đầu tiên diễn ra ngày 29/9 năm ngoái tại Berlin. Trung Á cũng là khu vực đầu tiên có quan hệ đối tác khu vực với Đức, trong đó quốc gia châu Âu dành sự quan tâm đặc biệt tới hợp tác kinh tế và năng lượng.

Điều này cho thấy sự chủ động của Berlin trong xây dựng mối liên kết với các nước nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào mối quan hệ vào nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, một số nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil cùng một số quốc gia châu Phi khác. Bản thân Thủ tướng Olaf Scholz nhiều lần nhấn mạnh đang chuẩn bị để Đức tiến vào thế giới “đa cực”.

Câu hỏi ở đây là: Tại sao Đức lại chọn Trung Á? Không khó để thấy mối quan tâm của Berlin với khu vực này trở nên rõ ràng hơn sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Đầu tiên, Trung Á có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là con người.

Nội dung được thảo luận nhiều nhất trong chuyến thăm của ông Scholz là vấn đề di cư, tạo điều kiện cho nguồn nhân lực chất lượng cao của Uzbekistan tới Đức. Quốc gia châu Âu có thêm lao động còn người dân đất nước Trung Á có thêm lựa chọn khác ngoài Nga. Đức cũng tìm kiếm cơ hội xây dựng hệ thống đưa người Afghanistan bị trục xuất về nước mà Uzbekistan là điểm trung chuyển lý tưởng cho việc này.

Ngoài ra, Trung Á có trữ lượng đất hiếm dồi dào. Đức muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Kazakhstan, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Năng lượng cũng là ưu tiên hàng đầu của Đức, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Ưu tiên về kinh tế

Trên cơ sở đó, cam kết đáng chú ý nhất của Thủ tướng Olaf Scholz tại Thượng đỉnh Trung Á - Đức lần này là khoản đầu tư 10 tỷ Euro thông qua sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU). Đây là cách để Berlin đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng ảnh hưởng tại Trung Á, góp phần củng cố vai trò trung chuyển Đông - Tây then chốt của khu vực. Nó cũng góp phần khiến nơi đây trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và vun đắp quan hệ giữa Trung Á với châu Âu.

Ở chiều ngược lại, Thượng đỉnh Trung Á - Đức phản ánh ưu tiên của các quốc gia khu vực trong phát triển kinh tế. Việc Kazakhstan nhấn mạnh Sáng kiến Hành lang trung tâm kết nối Trung Á - châu Âu qua Mạng lưới giao thông xuyên Âu (TEN-T) cho thấy nỗ lực mang tính chiến lược của Astana nhằm giảm sự phụ thuộc vào các tuyến đường do Nga và Trung Quốc kiểm soát.

Trong khi đó, lời kêu gọi của Uzbekistan về tổ chức Đối thoại năng lượng, tập trung vào kinh tế xanh và phát triển hydrogen xanh, với đề xuất hợp tác cùng doanh nghiệp Đức như Siemens, BASF và MAN thể hiện mong muốn của nước này về hiện đại hóa ngành công nghiệp và chuyển đổi thành năng lượng bền vững.

Còn tuyên bố của Kyrgyzstan cho thấy sự ưu tiên đặc biệt dự án Nhà máy thủy điện Kambaratin-1 và đường sắt Kyrgyzstan - Trung Quốc. Trong đó, hệ thống đường sắt sẽ góp phần quan trọng nhằm kết nối Trung Quốc và châu Âu. Kết hợp với vị trí địa lý chiến lược, sự thành công của hai dự án này sẽ giúp Kyrgyzstan hưởng lợi từ nhiều mối quan hệ đối tác mà không phụ thuộc vào một bên đơn lẻ nào.

Cân nhắc chiến lược

Từ lâu, vị trí địa chiến lược của Trung Á khiến nơi đây trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Sự hiện diện ngày một rõ nét của Đức tại đây là cơ hội để các quốc gia này đa dạng hóa quan hệ, giảm sự phụ thuộc vào quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, tại sự kiện, các bên đã thảo luận về một số mối quan tâm chung về an ninh, đặc biệt là liên quan tới khủng bố, chủ nghĩa cực đoạn và tội phạm mạng. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Kazakhstan đối với chiến dịch vận động của Kyrgyzstan để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy sự đoàn kết và mong muốn tăng cường sự hiện diện của khu vực trên trường quốc tế. Mối quan hệ đối tác với các nước châu Âu, cụ thể là Đức, sẽ củng cố nỗ lực này.

Sự ủng hộ của Berlin đối với các sáng kiến quản lý môi trường và nguồn nước của khu vực, đặc biệt là nỗ lực cứu biển Aral và phát triển nông nghiệp bền vững cũng tạo ra một “tầng” quan hệ hợp tác mới giữa Đức và Trung Á. Đây không chỉ là dịp quốc gia châu Âu thể hiện định hướng bảo vệ môi trường, mà còn là cơ hội để phát huy quyền lực mềm, tạo sự kết nối giữa hỗ trợ kinh tế và ổn định khu vực.

Xét cho cùng, Thượng đỉnh đã góp phần củng cố vai trò của Berlin như một đối tác kinh tế và an ninh tại Trung Á. Thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng, Đức muốn chứng tỏ rằng nước này hoàn toàn có thể hiện diện trong khu vực nằm dưới vùng ảnh hưởng chính từ Nga và Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, hợp tác với Berlin là cơ chế tốt để các nước Trung Á tận dụng, thích ứng hợp lý với những vận động địa chính trị Á - Âu, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ xung đột Nga - Ukraine. Cam kết liên tục, lâu dài của châu Âu cùng năng lực duy trì ổn định chính trị, thúc đẩy cải cách kinh tế từ các quốc gia Trung Á sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa kịch bản này.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-va-trung-a-xich-lai-gan-nhau-loi-ca-doi-ben-286859.html