Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh bạch hầu

- Xin bác sĩ cho biết, tình hình bệnh bạch hầu ở một số tỉnh thành nói chung, Quảng Ninh nói riêng?

+ Từ ngày 14-21/6, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện 2 ổ dịch bạch hầu với 6 ca dương tính, trong đó 1 ca tử vong. Ngoài ra, còn 10 ca chẩn đoán nghi ngờ. Tỉnh Đắk Nông đã phải khoanh vùng, cách ly 71 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu. Còn với Quảng Ninh, phải khẳng định rằng, nhiều năm nay tỉnh không xuất hiện trường hợp nào bị bệnh bạch hầu; tuy nhiên, là địa bàn du lịch, giao lưu thương mại lớn nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập cao.

Trước tình hình đó, ngành Y tế và CDC tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu; giám sát chặt chẽ nếu xuất hiện ca bệnh ở cơ sở điều trị và trong cộng đồng. Ngành tăng cường công tác vận động người dân đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ.

Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, ngành đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi chia thành 2 đợt tiêm. Đợt 1, trong tổng số 26.304 trẻ 7 tuổi ở 164 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thì có 24.048 trẻ được tiêm. Đợt 2, ngành tiếp tục thực hiện tiêm ở các xã, phường còn lại của Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí.

Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) nhập thông tin của học sinh Trường Tiểu học Quang Trung trước khi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu- uốn ván đợt 2.

- Khi bị bệnh bạch hầu, người bệnh có triệu chứng gì để nhận biết, thưa bác sĩ?

+ Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình: Sốt nhẹ, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, đau họng, ho ông ổng, khàn tiếng, chán ăn, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ, chảy nước dãi, có cảm giác lo lắng, sợ hãi. Dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh này là sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng.

Giả mạc còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt...

Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không được điều trị tích cực. Người mắc bệnh khi không được phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến bị nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.

Trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Một số bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim và van tim, bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

- Cách phòng bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Mặc dù hiện nay đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, ngay cả khi điều trị, bệnh cũng có thể gây tử vong. Bởi vậy để phòng bệnh, cách tốt nhất là tiêm vắc xin. Hiện nay trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) khi trẻ từ 18-24 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.

Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… của người bệnh bằng dung dịch sát khuẩn. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh bạch hầu, cần nhanh cho trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/dua-tre-di-tiem-phong-day-du-de-phong-benh-bach-hau-2489689/