Dự thảo mới không bỏ sáng kiến kinh nghiệm với bằng khen, chiến sĩ thi đua
GDVN- Tất cả văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng hiện nay đều yêu cầu có sáng kiến với Danh hiệu chiến sĩ thi đua và Bằng khen.
Thi đua, khen thưởng là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Quan tâm đến thi đua, khen thưởng chính là minh chứng hùng hồn cho người giáo viên yêu nghề, muốn cống hiến và phấn đấu, là hy vọng cho một nền giáo dục nước nhà sẽ phát triển.
Người viết muốn giúp thầy cô giáo yêu nước, yêu nghề có cái nhìn dễ hiểu, đơn giản về các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực thi đua, khen thưởng.
Chúng ta đang thực hiện thi đua, khen thưởng theo các văn bản pháp luật sau:
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;
Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng;
Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng đang dần bỏ sáng kiến
Mới nhất, ngày 31/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi địa phương có thể có quyết định ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố, tỉnh.
Giáo viên “dị ứng” với sáng kiến kinh nghiệm trong thi đua, khen thưởng là bởi tiêu chuẩn:
“Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận”.
Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nào giáo viên hay quan tâm bắt buộc có sáng kiến?
1. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
2. Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
Tất cả văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng hiện nay đều yêu cầu có sáng kiến với Danh hiệu chiến sĩ thi đua và Bằng khen.
Cụ thể: Khoản 2 Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng 2003, 2015; Điểm b Khoản 3 Điều 9 Nghị định Số: 91/2017/NĐ-CP, Điều 71 Luật Thi đua, khen thưởng [1, 2,3]
Dự thảo Luật thi đua khen thưởng sửa đổi có bỏ sáng kiến không?
Điều 21 Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi có ghi: Tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Được công nhận Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2. Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.[4]
Như vậy có nghĩa Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng không hề bỏ tiêu chuẩn phải có sáng kiến!
Điều 22 Khoản 1 Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng có ghi: Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;
b) Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;
c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;[4]
Trước đây, để đạt Chiến sĩ thi đua hay Lao động tiên tiến phải “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng đang mở rộng “cửa” thi đua cho người lao động khi “hạ” tiêu chuẩn cả hai danh hiệu này từ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đã thi đua là phải có sáng kiến
Sáng kiến là kết quả của hoạt động sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển giáo dục nói riêng.
Nếu không có sáng kiến, thầy cô giáo chỉ áp dụng sáng kiến của đồng nghiệp, kinh nghiệm của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đã đạt tiêu chuẩn của danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Sáng kiến, kinh nghiệm nếu được công khai, trân trọng giới thiệu cho giáo viên áp dụng, kiểm chứng, lan tỏa thì sáng kiến đó mới có giá trị thực tiễn.
Tiếc thay sáng kiến trong giáo dục hiện nay chỉ nằm trên giấy, đánh giá trên báo cáo; nạn xào xáo, sao chép... đã gây dị ứng cho giáo viên khi nói đến sáng kiến.
Sớm hay muộn, chắc chắn sáng kiến trong giáo dục sẽ được minh bạch hóa, công khai hóa như sáng kiến trong các lĩnh vực sản xuất, để biến sáng kiến phi vật chất thành định lượng cụ thể trong số giáo viên áp dụng thành công.
Thi đua là yêu nước, là yêu nghề, là hạnh phúc được cống hiến và ghi nhận. Sáng kiến sẽ luôn tồn tại và tỏa sáng trong thi đua thực chất, quý thầy cô yêu nghề cứ sáng tạo, việc tử tế chắc chắn được ghi nhận và lan tỏa.
Người tử tế, đó là phần thưởng và danh hiệu lớn nhất, cao quý nhất được xã hội phong tặng. Người tử tế chắc chắn không đạo văn, không xào xáo sáng kiến của người khác, sáng kiến chắc chắn sẽ được yêu quý và tỏa sáng.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=80079
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Luat-thi-dua-khen-thuong-sua-doi-2013-215903.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/nghi-dinh-91-2017-nd-cp-huong-dan-luat-thi-dua-khen-thuong-315685.aspx
[4]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/linh-vuc-khac/Luat-Thi-dua-Khen-thuong-sua-doi-418232.aspx