Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần thiết quy định thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm
Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 12/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì Hội thảo.
Quy định phù hợp với xu thế phát triển
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội (QH) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua có nội dung về Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô. Theo đó, phạm vi lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát bao gồm các giải pháp công nghệ mới; mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm TP Hà Nội; mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa; mô hình kinh doanh mới khác. Thời gian thử nghiệm giải pháp công nghệ mới tối đa là 3 năm.
Về Quỹ đầu tư mạo hiểm TP Hà Nội, Quỹ do ngân sách TP hỗ trợ vốn điều lệ và huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư mạo hiểm ươm tạo doanh nghiệp (DN) công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo, DN khởi nguồn trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ được quy định tại dự thảo Luật. Thời gian thử nghiệm mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm TP Hà Nội là 5 năm.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã tham luận về một số nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô. Dẫn kinh nghiệm từ các nước, các đại biểu cho rằng những quốc gia phát triển công nghệ đều có quỹ đầu tư mạo hiểm và Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước để quy định về vấn đề này.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc BK Fund, Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ tán thành với cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng một phần ngân sách nhà nước và huy động vốn ngoài ngân sách ở TP Hà Nội với nguyên tắc không phát sinh đầu mối hành chính, sự nghiệp; hoạt động theo quy luật của thị trường.
Ông Phạm Tuấn Hiệp cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cơ hội rất tốt để tích hợp các chính sách đối với mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm hiện được quy định tại Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư về các ưu đãi cho đầu tư mạo hiểm, đầu tư công nghệ. “Chúng tôi kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ mở đường dẫn để các hoạt động đầu tư mạo hiểm, đầu tư công nghệ, đầu tư công ty khởi nghiệp được triển khai cả ở khu vực tư nhân lẫn khu vực công, dành cho cả các tập đoàn kinh tế, công nghệ trong nước và nước ngoài”, ông Hiệp nói.
Chung nhận định, ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên viên pháp lý cấp cao Quỹ ThinkZone Ventures chỉ ra rằng, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã có các quy định nhằm thúc đẩy phát triển khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm nhưng trong nghị quyết vẫn sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo” theo mạch của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa hay Nghị định 38/2018/NĐ-CP. “Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới để phù hợp hơn với xu thế phát triển hiện tại và tương lai. Việc dự thảo Luật quy định trực tiếp về Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ mở ra hành lang pháp lý cụ thể, trực diện vào vấn đề này”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Tạo cơ chế hiệu quả, khả thi nhất
Tham luận về đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, ông Trần Thế Trung, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT cho hay, những năm gần đây chứng kiến ngày càng nhiều những đột phá trong công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, từ thực tiễn đưa các tiến bộ công nghệ này vào hoạt động của DN Việt Nam đã nảy sinh một số điểm tắc nghẽn mà một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể khai thông. Vị chuyên gia đề xuất một số lĩnh vực công nghệ mới được áp dụng cơ chế thử nghiệm như công nghệ định danh điện tử có sử dụng sinh trắc học, triển khai ở các DN, bao gồm các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán… trên hạ tầng điện toán đám mây.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Phương Thủy cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, các đại biểu QH thấy rằng nhiều chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình tại Kỳ họp có tính đổi mới, vượt trội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với các chính sách đưa ra, mức độ đặc thù, vượt trội chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, các đại biểu đề xuất cần cụ thể hóa hơn một số nội dung để Luật khi được ban hành sẽ tạo cơ sở chắc chắn cho việc triển khai thực hiện, khắc phục được những hạn chế của Luật Thủ đô năm 2012 như thiếu cơ chế triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách được đưa ra.
Bà Nguyễn Phương Thủy chỉ ra rằng, Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền nên không thể đi vào chi tiết từng chính sách cụ thể; định hướng xây dựng Luật là phân quyền tối đa cho địa phương để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách. Quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là nội dung có tính đột phá trong dự thảo Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH bày tỏ ủng hộ việc quy định thành lập Quỹ, coi đây như một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để vừa thực hiện, vừa tiếp tục điều chỉnh chính sách nhằm tạo ra cơ chế thực sự hiệu quả, có tính khả thi nhất.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được các đại biểu QH ủng hộ. Quỹ đầu tư mạo hiểm nằm trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nên phải có quy mô, thời hạn và phải có kiểm soát. Nêu rõ quy định về mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm như điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành cần hết sức cụ thể, khả thi, thực tiễn, bám sát yêu cầu của TP và đất nước, ông Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo Luật.