Dư luận nghi ngờ về số liệu lạm phát, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định 'đáng tin cậy'
'Kết quả kiểm soát lạm phát vừa qua rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn có dư luận cho rằng với kết quả làm tốt như vậy liệu có phải do vấn đề số liệu hay không? Tôi xin khẳng định số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam hoàn toàn đáng tin cậy', Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nói.
Số liệu về lạm phát rất đáng tin cậy!
Tại Tọa đàm 'Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp' diễn ra chiều 28.5 do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh, rất khó lường.
“Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn trong khi độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP). Như vậy, sự tác động của ngoại cảnh đối với kinh tế nước ta rất lớn”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, yếu tố lạm phát xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan tỏa trên toàn cầu. Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khóa, tiền tệ. Fed liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, Các giải pháp nêu trên khiến Việt Nam phải đối mặt với giảm sút về tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, Việt Nam bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.
Ông Phương cho rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như: Cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…
“Trong quá khứ, chúng ta cũng từng chứng kiến những lúc phải gánh chịu hậu quả của lạm phát cao như những năm 80, 90 của thế kỷ trước hay là giai đoạn 2008-2011 với sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục được hậu quả của nó. Hậu quả để lại rất nặng nề, tăng trưởng bị suy giảm, thậm chí là suy thoái, cho đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi thất nghiệp, đói nghèo, kể cả việc phá hoại tài nguyên môi trường. Tất cả những hệ lụy đó chúng ta có thể phân tích được do lạm phát gây ra”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng nhấn mạnh, hiện nay người dân rất quan tâm và cũng đã hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình họ, đánh thẳng vào túi tiền của họ. Do vậy, họ rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, câu chuyện cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát ngày càng được đặt ở vị trí trọng tâm cao hơn.
“Kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có dư luận cho rằng với kết quả làm tốt như vậy thì liệu có phải do câu chuyện số liệu của chúng ta hay không? Tôi xin khẳng định một lần nữa số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam chúng ta là hoàn toàn đáng tin cậy”, ông Phương nói.
Con tàu tròng trành nhưng có sự chèo lái vững vàng
TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu chia sẻ, thế giới kỳ vọng vượt qua đại dịch nhưng không ngờ ngấm sâu vào sức khỏe nền kinh tế. Trong khi đó, bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát lên cao, lãi suất lên cao chưa từng thấy, các nước đang phải vật lộn.
“Với bối cảnh đó, cần phải thông cảm với Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp đang phải vật lộn quyết liệt. Nhưng đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu "tròng trành" thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước”, ông Khương nêu.
Theo ông Khương, dù IMF dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng dự đoán năm sau khá cao. Họ vẫn kỳ vọng cao vào tương lai của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn háo hức muốn vào Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là, khó khăn rõ ràng tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp. Nhìn vào sự thật, không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay.
Ví dụ xuất khẩu tôm, thủy sản giảm, cạnh tranh quốc tế tăng. Tôi đi các nước giảng bài hay nói về kinh nghiệm của Việt Nam đầu tiên. Bangladesh, Ấn Độ xuất khẩu 7 tỉ USD, muốn lên 15 tỉ USD nên họ nắm bắt rất nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn ta vẫn chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản. Đây là điều ta phải chú ý, đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới”, ông Khương nhấn mạnh.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chia sẻ: “Chúng ta nhìn thấy trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để chúng ta tạo được sự ổn định rất nhiều mặt”.
Theo ông Cường, việc ổn định vĩ mô rất thành công. Việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả.
“Trong bối cảnh dịch, rất nhiều nước cũng dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhưng hậu quả kéo theo sau dịch là lạm phát. Nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp”, ông Cường nói.
Về chính sách tiền tệ, ông Cường cho rằng Việt Nam là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Tỷ giá của chúng ta không phải cứng nhắc, có sự điều chỉnh, thay đổi linh hoạt nhưng cũng chỉ biến động quanh khung 23,5-24,5 và cuối cùng quay lại đúng mức tỷ giá ổn định, từ đó tạo ra giá trị đồng tiền ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, không sợ đồng tiền mất giá, gây hoang mang, tích trữ…
Ông Hoàng Văn Cường cũng cho hay, công tác điều hành giữa Chính phủ, Quốc hội có sự tương tác, hỗ trợ đồng hành rất rõ. Những gì cần cho cuộc sống thì chúng ta có khuôn khổ pháp lý để thực thi.
“Nhiều cuộc họp mà tôi thấy rất hay là giao thời hạn phải xử lý xong việc, rất rõ cho địa phương là đến thời kỳ này phải giải quyết xong. Tôi nghĩ rằng khi đã đặt ra yêu cầu có tính định lượng, thời hạn cũng thể hiện quyết tâm, quyết liệt rất tốt của Chính phủ”, ông Cường nêu.