Du lịch Bình Định, những điều mới biết
Năm 2022, Phú Quốc và Bình Định là cặp đôi hot nhất của du lịch Việt. Vì nhiều lý do, cả hai đều khựng lại trong năm 2023 và đang tìm cách 'vượt bão', trở lại thời hoàng kim. Tôi về Bình Định cuối tháng Tư, trước lễ và cảm nhận nhiều điều thú vị.
Phức hợp FLC Quy Nhơn nhộn nhịp khách. Ban ngày nắng nóng chẳng nhường ai, chiều tối dịu mát. Cứ nghĩ sau sự cố của người đứng đầu, FLC sẽ đứng hình nhưng không phải vậy. Mọi người đang nỗ lực, vượt qua chính mình vì “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “Họa hề phúc chi sở ý” (trong họa có may). Khó khăn mới biết lòng người, thử thách trui rèn bản lĩnh.
Du lịch Bình Định lâu nay vang danh với Trống trận và bảo tàng Tây Sơn, các bãi biển Quy Nhơn, Kỳ Co, Ghềnh Ráng Tiên Sa, Trung Lương – Cát Tiến, bãi tắm Hoàng Hậu (bãi Trứng), các tháp Đôi, bánh ít, Dương Long, các danh thắng Eo Gió, Hầm Hô… Gần đây có thêm cù lao Xanh, hòn Khô, hòn Sẹo… Mấy ngày ở Quy Nhơn, tôi ngộ ra Bình Định có nhiều thứ lạ mà quen, độc đáo không đâu có.
Vùng đất này từng là thành Đồ Bàn (Chà Bàn), kinh đô Vijaya của Champa Degar, sau khi dời đô từ Indrapura (Quảng Nam hiện nay) vào năm 982. Năm 1471, Vijaya bị phá hủy, người Champa lùi về phương Nam. Cuối thế kỷ XVIII, thành Hoàng Đế (còn gọi là thành Bình Định) được Nguyễn Nhạc xây dựng trên nền cũ Vijaya. Cũng như Quảng Nam, dù từng là cố đô, văn hóa Champa ở Bình Định mai một, trừ hệ thống các tháp Chàm, đặc biệt là phế tích Vijaya. Thành Hoàng Đế là điểm tham quan kỳ thú, hình như đang bị lãng quên?
Tên gọi Bình Định và Quy Nhơn đã tự nói lên lịch sử của vùng “đất võ, trời văn”. “Đất võ” thể hiện khá rõ nhưng “trời văn” còn nhạt nhòa. Du khách đến Bình Định, nhất là lớp trẻ, hầu như không biết về “Bàn thành tứ hữu" (bốn người bạn thành Đồ Bàn) gồm Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, được xem là tứ linh của thơ ca Việt Nam tiền chiến. Xuân Diệu, sinh ở đây nhưng khuynh hướng thơ ca khác "Bàn thành tứ hữu". Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi trước biển Quy Nhơn, ôm đàn hát Biển Nhớ, gợi về bao ký ức.
Ghềnh Ráng Tiên Sa có mộ Hàn Mặc Tử, bên kia núi là nhà thương Quy Hòa, nơi Hàn Mặc Tử sống cuối đời. Ông không chết vì bệnh phong như nhiều người tưởng. Chưa có phụ nữ nào đi qua đời ông, chỉ qua thơ. Những mối tình thơ lung linh, thực hư, đẹp như mơ. Không có chuyện hai dì cháu cùng yêu nhà thơ, đó là kiểu câu view của mấy nhà báo lá cải. Tôi may mắn được đến nhà trò chuyện với các bà Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương (quen thân với chị Nguyễn Lê Thu An, trưởng nữ của bà mà không biết), gặp người thân của bà Hoàng Cúc, bà Thương Thương.
Khi đến nhà thờ Mằng Lăng (Tuy An, Phú Yên), nơi lưu giữ cuốn sách tiếng Việt đầu tiên “Phép giảng tám ngày” in năm 1651 ở Ý của Alexandre de Rhodes (Pháp, 1593 – 1660, còn gọi là cha Đắc Lộ); cứ ngỡ tiếng Việt khởi nguồn từ đó và Alexandre de Rhodes là cha đẻ. Về Bình Định mới hay, tiếng Việt ngày nay khởi nguồn từ khu đô thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) với các linh mục Buzomi (Ý, 1576 – 1639), Pina (Bồ Đào Nha, 1585 -1625), Borri (Ý, 1583 – 1632) từ những năm 1620. Alexandre de Rhodes là người kế thừa, có công rất lớn trong việc tập hợp, xuất bản sách “Phép giảng tám ngày”.
Thú vị nhất là tour đêm “Khám phá Trung tâm khoa học Quy Nhơn” với show tham quan điện áp cao, quả cầu Faraday, kính quan sát thiên văn, tìm hiểu các mô hình vũ trụ, các trò chơi khoa học… không đụng hàng. Hà Nội và Sài Gòn, hai trung tâm khoa học kỹ thuật lớn nhất nước chưa có nhưng Bình Định đã tiên phong.
Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành của giáo sư tiến sĩ Vật lý Jean Trần Thanh Vân (người Pháp gốc Việt), nơi tổ chức các sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” tầm cỡ thế giới và nhiều chương trình hội thảo tọa đàm về khoa học, giáo dục bổ ích. Di tích Trường Lũy dài hơn 200km, làm thủ công bằng đất và đá, từ thế kỷ XVII, nối Trà Bồng (Quảng Ngãi) với An Lão (Bình Định).
Ẩm thực Bình Định ngoài bánh ít lá gai, chả cá Quy Nhơn, nem Chợ Huyện, mực rim, chả tré rơm, rượu Bàu Đá, còn có gỏi cá Chình (hình như chỉ dân Bình Định mới có?), mắm nhum Mỹ An. Đặc biệt là dé bò Tây Sơn, được chế biến kỳ công từ phân non trong ruột bò, xào với ruột non, tiết, gan và các gia vị dân dã.
Ngoài các loại trái cây như dừa, xoài, mít, cam, ổi, các loại dưa… Bình Định có hai loại trái lạ mà quen. Bí đao, khắp Việt Nam, vùng nào chẳng có nhưng bí đao Thánh Gióng chỉ có ở làng Chánh Trạch 1 và 2 (xã Mỹ Thọ, huyện Phú Mỹ). Gọi là bí đao Thánh Gióng vì toàn trái khổng lồ, trái nào cũng tổ chảng từ 40 – 60kg, phải chằng dây, mắc võng, dù thân bí bình thường.
Nghe đâu, nhiều người lấy giống về trồng đều thất bại. Bí đao Thánh Gióng chỉ chịu đất Chánh Trạch, dù người dân chẳng có bí quyết gì. Mới hay, cây cũng như người, đất lành cho quả ngọt, đất quý cho trái lạ, tri âm tri kỷ đâu dễ gì. Nghe nói, bí đao Thánh Gióng có tác dụng bồi bổ cơ thể hơn hẳn bí đao thường?
Bình Định có nhiều nho biển, còn gọi là tra biển, tên khoa học là Coccoloba Univefa, thân gỗ cong, có thể cao hơn 10m, nguồn gốc Trung Mỹ, thích hợp duyên hải Nam Trung bộ, hải đảo, nhiều nhất ở Trường Sa. Nhiều người nhầm nho biển, cũng gọi là cây tra với cây lâm vồ (có nơi gọi tra biển, tra đồng bằng) mọc nhiều vùng nước lợ, ven biển.
Cây phân cành thấp, tán lá rộng, lá đơn mọc cách, bóng, phiến tròn, cứng, đường kính từ 15 – 22cm. Hoa chùm mang nhiều hoa nhỏ màu xanh lục vàng. Quả mọc chùm dài, khi non màu xanh, vị chát hơi chua, quả chín màu đỏ hoặc tím thẫm, vị ngọt chua. Trái nho biển rất giống nho thường, từ hình dáng đến màu sắc.
Nho biển trồng ven các lối đi và thành vườn ở FLC Quy Nhơn. Được chăm chút, cây tươi khỏe. Lá dày, màu xanh ngọt, rộng hơn gang tay, được dùng đựng lót thức ăn rất sinh thái, bắt mắt trong tiệc buffet lẫn set menu và dùng ghi thực đơn các bữa ăn. Trái xanh làm gỏi với khô hoặc nấu canh chua. Trái chín nấu chè, ăn tráng miệng, hương vị rất Quy Nhơn.
Ở khu nghỉ dưỡng của FLC, tôi thích đi bộ chân trần dọc bãi biển đón bình minh hoặc tiễn hoàng hôn, rồi đùa nghịch với biển cả. Bờ biển phẳng, nước êm, dài gần bốn cây số, cát trắng mịn, mát rượi vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Tôi cũng khoái trekking cung đường hoa đủ loại dài hơn 3km trong khu phức hợp hoặc qua các xóm chài, ghé chợ Nhơn Lý, đến Eo Gió check in, đi và về chừng 6km.
Đẹp nhất là cung đường FLC – Kỳ Co, đi và về chừng 11km. Đường dốc, sát biển, có đoạn quanh co, qua các đồi điện gió, đồi sim, rừng tạp và bát ngát biển, bao la trời, xanh tít tắp. Là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền Bình Định. Nên khởi hành trước năm giờ để ngắm cảnh vạn vật náo nức, ửng hồng, đợi mặt trời và nắng tươi ngày mới, đẹp ngỡ ngàng. Có cả bầy gà lôi ngạc nhiên vì gặp khách lạ.
Hè này FLC đang khuyến mại, chỉ 1.698.000 đồng cho hai người với phòng đôi năm sao, bữa sáng buffet, bữa trưa chất lượng cùng các dịch vụ xe điện, hồ bơi, tham quan safari. Với hơn 1.000 phòng và biệt thự, phức hợp FLC Quy Nhơn là chọn lựa lý tưởng, không chỉ cho các nhóm bạn, nhóm gia đình mà còn cho các tour đặc thù như Golf, MICE, nhất là các đoàn lớn, cần không gian biệt lập.
Về Bình Định phải ít nhất bốn ngày mới hiểu và cảm được phần nào vùng “đất võ, trời văn” xứ Nẫu.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/du-lich-binh-dinh-nhung-dieu-moi-biet-1714708536853.htm