Dù khắc phục thêm, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có được giảm án?

Chiều nay (17.5), HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên bản án phúc thẩm đối với các bị cáo, người liên quan có đơn kháng cáo trong vụ án Việt Á.

Từ ngày 15.5, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử phúc thẩm, xét kháng cáo của Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và 10 bị cáo khác.

VKS đề nghị bác kháng cáo dù cựu Bộ trưởng nộp thêm 1 tỉ đồng

Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xin giảm nhẹ hình phạt 18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Long thừa nhận đã nhận số tiền 2,25 triệu USD từ Phan Quốc Việt. Số tiền này đã được bị cáo tác động đến gia đình nộp lại từ phiên sơ thẩm. Đến phiên tòa phúc thẩm, cựu Bộ trưởng cho biết bản thân tiếp tục tác động tới gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.

Dù nộp thêm 1 tỉ đồng nhưng đại diện VKS vẫn đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Long. Theo VKS, bị cáo Long nhiều lần nhận hối lộ. Việc bị cáo có nhiều huân huy chương, là tác giả của nhiều đề tài cấp nhà nước… đã được cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá nên VKS thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: N.A

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: N.A

Trong phần tranh luận, luật sư Trần Nam Long (luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long) cung cấp thêm một số chứng cứ, luận điểm làm căn cứ để HĐXX cân nhắc, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Long.

Theo luật sư, Bản án sơ thẩm đã ghi nhận một số thành tích của bị cáo Long trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, luật sư cho rằng tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng mức những đóng góp của cựu Bộ trưởng trong giai đoạn chống dịch COVID-19.

“Với tư cách là vị tư lệnh ngành y tại thời điểm cam go nhất của hệ thống y tế, thân chủ tôi đã xả thân, đứng đầu hàng vạn y, bác sĩ, nhân viên y tế của cả nước lao vào chống dịch”, luật sư nhấn mạnh.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long được dẫn giải tới tòa - Ảnh: D.T

Bị cáo Nguyễn Thanh Long được dẫn giải tới tòa - Ảnh: D.T

Cụ thể, luật sư đã dẫn chứng ông Long chính là người đã trực tiếp chỉ đạo triển khai chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19, là Trưởng ban chỉ đạo tiêm chủng, trực tiếp chỉ đạo, tham gia gần 200 cuộc đàm phán quốc tế, giúp Việt Nam nhận được rất nhiều liều vắc xin; xin xe vận chuyển vắc xin, hệ thống bảo quản vắc xin...

Theo luật sư, ngoài vai trò là một nhà lãnh đạo, là một giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Thanh Long còn là một nhà khoa học có uy tín, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ông Long là tác giả của hàng chục đề tài nghiên cứu có giá trị cao. Ông cũng là một người góp phần đào tạo nên gần 50 tiến sĩ y khoa.

“Sau khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, thân chủ tôi cảm thấy vô cùng ăn năn, hối lỗi. Mặc dù đã tác động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính trong vụ án này ngay từ giai đoạn sơ thẩm, nhưng đến nay thân chủ tôi vẫn nhờ gia đình thu xếp nộp thêm một khoản tiền 1 tỉ đồng để tự nguyện góp phần cùng các bị cáo trong vụ án này khắc phục hậu quả”, luật sư Long nêu rõ.

Với các nội dung đã trình bày, luật sư mong rằng HĐXX sẽ đánh giá một cách công tâm giữa công và tội trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện những đóng góp của cựu Bộ trưởng, xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ, đánh giá thêm về thái độ và nhận thức tích cực ông Long; để cho bị cáo được hưởng chính sách hình sự đặc biệt và từ đó giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Long.

Bị cáo Phan Quốc Việt được dẫn giải tới phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: N.A

Bị cáo Phan Quốc Việt được dẫn giải tới phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: N.A

Nguồn gốc số tiền Phan Quốc Việt gửi mẹ và vợ

Trong vụ án này, bà Đàm Thị Trinh (mẹ bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á) kháng cáo liên quan sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng đang bị phong tỏa. Theo lời trình bày của bà Trinh, đây là số tiền vợ chồng bà tích cóp mấy chục năm qua nhờ kinh doanh.

Bà Trinh cũng nói thêm rằng bà cho Phan Quốc Việt vay tiền để làm ăn. Đến tháng 10.2021, Việt hai lần chuyển trả. Số tiền này được bà Trinh gửi ngân hàng thành 52 sổ, thẻ tiết kiệm, tổng hơn 400 tỉ đồng.

Theo VKS, tại CQĐT, Phan Quốc Việt thừa nhận số tiền chuyển cho mẹ bị cáo có nguồn gốc từ tiền bán kit xét nghiệm, đã được nâng khống giá. VKS xác định đây là khoản tiền hưởng lợi bất chính, cần tiếp tục phong tỏa, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà Trinh.

VKS cũng đề nghị bác kháng cáo của bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) với nội dung đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên, phong tỏa 2 sổ, thẻ tiết kiệm đứng tên 2 con của bà Thủy và ông Phan Quốc Việt với tổng số tiền 20 tỉ đồng.

Theo VKS, số tiền Việt chuyển cho vợ gửi tiết kiệm 20 tỉ đồng là trong thời gian Việt thu lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm.

VKS nhận định Phan Quốc Việt là người giữ vai trò cao nhất, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Dù bị cáo đã nộp thêm 200 triệu đồng nhưng đây là số tiền không đáng kể so với thiệt hại của vụ án. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Trong phần lời nói sau cùng, các bị cáo đều bày tỏ mong muốn được HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, chấp nhận kháng cáo để họ có thể sớm trở về với xã hội, gia đình.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/du-khac-phuc-them-cuu-bo-truong-nguyen-thanh-long-co-duoc-giam-an-217352.html