Dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà KCN, KCX rất lớn

Rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp ở các KCN, KCX, nhà xuất khẩu cần chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nên rất quan tâm phát triển điện mặt trời mái nhà.

Ngày 16-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP HCM tổ chức Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam, cho biết dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp rất lớn.

Việt Nam có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Trong đó, có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và khu công nghệ cao. Riêng tại TP HCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư. Nếu các doanh nghiệ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà thì có thể sản xuất ra gần 2.000 Mgw.

Theo ông Long, các nhà đầu tư thứ cấp và nhà xuất khẩu đang cần chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu các nhà nhập khẩu. Điện mặt trời mái nhà là lựa chọn phù hợp.

Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp diễn ra chiều 16-8

Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp diễn ra chiều 16-8

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nêu thực trạng doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều thách thức liên quan đến các quy chuẩn hóa nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ đã đưa ra những tiêu chuẩn kép về yêu cầu xanh hóa. Trong đó bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm tái chế, các sản phẩm thân thiện môi trường, loại trừ tất cả các nồi hơi bằng than đá vật liệu thải khí không tốt ra môi trường, buộc doanh nghiệp phải chuyển sang nồi hơi điện. Việc chuyển đổi này đẩy chi phí sản xuất một sản phẩm lên 15-20%.

"Nếu có điện từ năng lượng mặt trời áp mái thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Có thể nói, điện mặt trời mái nhà đã tạo ra được thế chủ động điện năng cho doanh nghiệp" - ông Giang nhìn nhận.

Chính phủ đã cam kết đưa Việt Nam giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây dựng nhà máy điện than mới sau 2030.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) cũng đã đưa ra những giải pháp và bước tiến có tính đột phá trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại diễn đàn

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại diễn đàn

Mới đây, Bộ Công thương cũng đưa ra các cập nhật mới nhất để đề xuất, hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định, quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trình Chính phủ.

Mặc dù chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ nhưng đến nay, doanh nghiệp muốn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà còn vướng nhiều thủ tục, giấy phép xây dựng, đánh giá môi trường,...

"Những ý kiến đóng góp, các giải pháp kiến nghị tại Diễn đàn sẽ được chúng tôi tổng hợp, trình Chính phủ, Bộ Công thương, các ngành liên quan để xây dựng và hoàn thiện, sớm thúc đẩy việc triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động chủ động, hiệu quả và ngày một phát triển" - ông Thành nói.

T. Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-dia-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-kcn-kcx-rat-lon-196240816174109129.htm