Dự báo giá dầu: Cao nhất từ sau đại dịch nhưng khó trụ vững
Giá Brent (tháng 4/2021) trong tuần giao dịch từ ngày 1 - 5/2 biến động trong biên độ 54,77 - 59,70 USD/thùng, đóng cửa ở mức 59,6 USD/thùng (+8,7%/tuần).
Giá dầu tuần qua tăng bền vững, thị trường liên tục được hỗ trợ bởi những thông tin tốt không chỉ riêng trong lĩnh vực dầu khí, mà cả kinh tế vĩ mô kết hợp với diễn biến dịch bệnh có xu hướng suy giảm. Số ca nhiễm mới toàn cầu tăng trưởng chậm lại, xuống quanh mốc 500.000/ngày. Đáng chú ý, số người được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine đã vượt số ca nhiễm lũy kế - đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Những yếu tố tích cực giúp giá dầu thế giới tiến sát mốc tâm lý 60 USD/thùng:
Từ 1/2/2021 KSA và một số thành viên OPEC+ bắt đầu cắt giảm nguồn cung thêm 1,425 triệu bpd;
Sản lượng khai thác khối OPEC chỉ tăng 190.000 bpd, thấp hơn chỉ tiêu cho phép 110.000 bpd do sự cố tại Nigeria và Libya. Xuất khẩu dầu thô Trung Đông tháng 1/2021 giảm 430.000 bpd;
Các thành viên vi phạm hạn ngạch OPEC+ phải cắt giảm bổ sung 671.000 bpd từ nay đến hết quý 1/2021.
Kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,3%, đặc biệt thị trường kỳ vọng vào gói cứu trợ kinh tế mới 1.900 tỷ USD vừa được Quốc hội (cả hai viện) ngày 5/2 đồng ý về mặt nguyên tắc, dự kiến trước ngày 15/3 sẽ thông qua dự luật hoàn chỉnh và đưa vào thi hành. Đến nay vẫn còn khoảng 1.000 tỷ USD của các gói cứu trợ cũ chưa giải ngân;
Goldman Sachs nhận định, các gói cứu trợ quy mô lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu Mỹ thêm 200.000 bpd. Mặt khác, các biện pháp tạm đình chỉ cấp phép khoan, đất khai thác liên bang và rút giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL càng hạn chế nguồn cung;
Ủy ban kỹ thuật (JTC) dự báo thiếu hụt nguồn cung trong năm 2021, đỉnh điểm lên tới 2 triệu bpd vào tháng 5/2021 và tồn kho toàn cầu giảm trung bình 1,1 triệu bpd nhờ tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch OPEC+ ở mức cao, trung bình cả năm 2020 đạt 99%. Hơn nữa, cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC) vừa diễn ra ngày 3/2 giữ nguyên kế hoạch khai thác tháng 2, cho rằng nhu cầu dầu thế giới có thể tăng trưởng nhanh hơn vào 6 tháng cuối năm 2021 nhờ tiến trình tiêm chủng đại trà. Trong 8 tháng hiệu lực thỏa thuận OPEC+, các thành viên đã cắt giảm nguồn cung 2,1 tỷ thùng dầu, góp phần quyết định ổn định thị trường;
Mỹ từ chối bỏ một phần phần lệnh trừng phạt Iran trước khi tiếp tục đàm phán về các vấn đề kiểm soát hạt nhân.
Trong tuần này, Brent có thể thử chinh phục ngưỡng 60 USD/thùng, tuy nhiên, khó để trụ vững trên mức tâm lý quan trọng này, ít nhất trong ngắn hạn, nhiều khả năng sau khi cán mốc sẽ có sự điều chỉnh nhất định.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 57 - 63 USD/thùng. Trong 2 tuần tới, giá dầu có thể dao động trong khoảng 61 USD/thùng.