Dự án xây dựng nhà ở thương mại bị loại khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư
Bổ sung 'kinh doanh dịch vụ đòi nợ' vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, loại bỏ dự án xây dựng nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư… là các quy định đáng chú ý trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi 34 Điều, bổ sung 4 Điều, bãi bỏ 2 Điều của Luật Đầu tư năm 2014 và sửa đổi 66 Điều, bãi bỏ 2 Điều, bổ sung 1 chương và 8 Điều của Luật DN năm 2014.
Dự thảo đã sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật.
Dự thảo đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Đáng quan tâm, Dự thảo bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư. Đồng thời, tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các Công ước quốc tế.
Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp đối với hoạt động thu hút ĐTNN theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư khác gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Đồng thời, Dự thảo cũng loại bỏ dự án xây dựng nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định của Luật Đất đai.
Không ép hộ kinh doanh phải chuyển thành Doanh nghiệp
Về sửa đổi Luật DN, Dự luật bãi bỏ 2 thủ tục không còn cần thiết, gồm thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN. Đồng thời, bổ sung quy định về đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử để người thành lập DN có thể thực hiện đăng ký DN qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Về quản trị Cty TNHH và Cty CP, Dự mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho Cty và cổ đông.
Đồng thời, giao quyền cho chủ sở hữu Cty TNHH một thành viên (không phải là DN Nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát Cty phù hợp với điều kiện cụ thể của DN, thay vì bắt buộc DN phải thành lập Ban kiểm soát như quy định hiện hành.
Dự thảo Luật cũng bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Cùng với đó, quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).
Dự kiến, Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Đồng thời, để thực hiện Luật Căn cước công dân, Luật này quy định cá nhân được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho bản sao thẻ căn cước công dân, CMND, hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác khi thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Luật Đầu tư và Luật DN.