ĐT nữ Việt Nam tấn công, phòng ngự ra sao khi bước ra sân chơi World Cup?
Trước khi World Cup 2023 khởi tranh, trang Total Football Analysis đã có bài viết phân tích về chiến thuật, lối chơi của ĐT nữ Việt Nam.
Với lần đầu tiên tham dự World Cup 2023, không ngạc nhiên khi ĐT nữ Việt Nam là đội bị đánh giá thấp nhất trước khi giải đấu khởi tranh. Trước mắt sẽ là một hành trình đầy gian truân thử thách dành cho thầy trò HLV Mai Đức Chung khi phải nằm chung bảng đấu với ĐKVĐ ĐT Mỹ và cả Á quân Hà Lan. Có thể nói, trước mắt của ĐT Việt Nam sẽ là những ngọn núi khổng lồ và việc chinh phục thành công những ngọn núi này sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.
Nhưng bóng đá vốn dĩ không thể nói trước được điều gì. Bằng sự đoàn kết, bầu nhiệt huyết và tinh thần phấn khởi sau khi giành vé dự World Cup, ĐT nữ Việt Nam vẫn có khả năng tạo ra cho mình dấu ấn trước các đối thủ lớn dù rằng cơ hội này rất nhỏ. Được xem là một đội lót đường ở bảng đấu có cả ĐKVĐ và Á quân, liệu thầy trò HLV Mai Đức Chung có thể tạo ra được những cú “địa chấn” ở lần đầu góp mặt tại sân chơi danh giá nhất cho bóng đá nữ?
Đội hình xuất phát
Trước những đối thủ được đánh giá cao hơn, không bất ngờ nếu HLV Mai Đức Chung sử dụng những con người tốt nhất và bộ khung quen thuộc nhất ngay ở trận đầu tiên tại vòng bảng. Tuy nhiên, vấn đề của ĐT nữ Việt Nam là thiếu đi những nhân tố có thể tạo ra được sự đột biến trên sân. Cá nhân được đánh giá cao nhất là Huỳnh Như, cầu thủ duy nhất của ĐT nữ Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Tiền đạo của Lank FC chắc chắn là quân bài không thể thay thế của HLV Mai Đức Chung. Các cầu thủ còn lại trong đội hình đều thi đấu trong nước và rất ít nhân tố có thể tạo ra được sự khác biệt.
Dựa trên chất lượng đội hình, HLV Mai Đức sẽ chú trọng vào lối chơi phòng ngự và đảm bảo được một trục dọc vững chắc trước áp lực từ hàng công của đối thủ. Trước đây, ĐT nữ Việt Nam thường chơi với sơ đồ 4-4-2 và lối chơi này giúp cho bóng đá nữ Việt Nam liên tục thống trị các danh hiệu ở sân chơi khu vực. Nhưng khi bước ra biển lớn, hàng phòng ngự là nơi cần được ưu tiên. Do đó, HLV Mai Đức Chung đã chuyển sang sơ đồ 5-4-1 trong thời gian gần đây để tăng cường nhân sự, đảm bảo sự an toàn bên phần sân nhà. Sơ đồ này cũng đã mang về những kết quả khả quan cho ĐT nữ Việt Nam ở những trận giao hữu tiền giải đấu. Cũng không loại trừ khả năng HLV Mai Đức Chung sẽ có chút thay đổi về cách tiếp cận trận đấu.
Dựa trên đội hình được HLV Mai Đức Chung thường xuyên sử dụng trong những trận đấu gần đây, có thể đưa ra được dự đoán về đội hình xuất phát của ĐT nữ Việt Nam. Đứng trong khung gỗ là thủ thành Kim Thanh, phía trên là bộ ba trung vệ từ trái sang phải: Trần Thị Thu – Lê Thị Diễm My – Trần Thị Thúy Nga. Trong tay HLV Mai Đức Chung dĩ nhiên sẽ có những vị trí phương án dự phòng tùy thuộc vào cách tiếp cận trận đấu. Trong trường hợp chơi phòng ngự, bộ ba trung vệ sẽ được giữ nguyên cùng với đó là sự xuất hiện của hai hậu vệ biên Hoàng Thị Loan (biên trái) – Trần Thị Thu Thảo (biên phải).
Để chuẩn bị cho World Cup 2023, ĐT nữ Việt Nam đã thử nghiệm về mặt nhân sự cũng như chiến thuật, chủ yếu nằm ở phương án có sử dụng wingback (hậu vệ biên tấn công) hay không. Ở hàng tiền vệ, Dương Thị Vân và Thái Thị Thảo là sự lựa chọn thường xuyên của HLV Mai Đức Chung thay vì Thùy Trang. Hệ thống với sự xuất hiện của hai tiền vệ phòng ngự mang lại cho ĐT nữ Việt Nam sự an toàn và linh hoạt hơn ở khu vực giữa sân. Trong những tình huống chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại, ít nhất 1 tiền vệ trung tâm sẽ di chuyển nhiều hơn ở trục dọc. Vấn đề này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau.
Một ngôi sao khác cũng mang đến nhiều kỳ vọng cho hàng công ĐT nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Tuyết Dung. Tiền vệ 29 tuổi chủ yếu hoạt động ở khu vực cánh trái và có thể tạo ra được khác biệt nhờ vào phẩm chất kỹ thuật của mình ở phạm vi 1/3 phần sân đối thủ. Ở cánh đối diện, Bích Thùy với tốc độ và sức càn lướt của mình sẽ là cái tên được lựa chọn.
Cuối cùng, người chơi cao nhất trên hàng công ĐT nữ Việt Nam là Huỳnh Như. Tiền đạo thuộc biên chế Lank FC gần như chắc suất đá chính ở mọi trận đấu nếu không gặp những vấn đề liên quan đến thể chất hay chấn thương. Trường hợp của Thanh Nhã – người được xem là truyền nhân của Huỳnh Như nhiều khả năng sẽ không được lựa chọn thường xuyên trong đội hình xuất phát. Cơ hội của cầu thủ 21 tuổi chứng minh năng lực sẽ đến khi cô được đưa vào sân từ băng ghế dự bị.
Không được đánh giá cao về năng lực, nhưng kinh nghiệm thi đấu là điểm nhấn của ĐT nữ Việt Nam ở World Cup 2023. Các trụ cột trong đội hình đang ở độ chín của sự nghiệp hoặc chỉ mới vừa bước qua tuổi đỉnh cao. Một vài gương mặt trẻ với khát khao thi đấu cống hiến cũng là điều thú vị của ĐT nữ Việt Nam ở chiến dịch lần này. Dựa trên đội hình đã dự đoán ở trên, chỉ duy nhất 3 cầu thủ trên 30 tuổi được lựa chọn. Thế nên có thể thấy HLV Mai Đức Chung đang cố gắng để pha trộn một đội hình có kinh nghiệm chinh chiến lẫn sự nhiệt huyết của tuổi trẻ trong lần đầu tham dự World Cup.
Phong cách tấn công
Trước khi giành vé tham dự World Cup 2023, ĐT nữ Việt Nam rất ít được cọ xát với những đối thủ lớn như Pháp, Đức, Tây Ban Nha,… Thay vào đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung chỉ chạm mặt những đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Philippines,… Những đội bóng Đông Nam Á tất nhiên trình độ vẫn còn thua thiệt rất xa so với các đội có mặt tại World Cup. Khi dựa vào những số liệu thống kê từ AFF Cup 2022 và SEA Games 32, ĐT nữ Việt Nam có xu hướng chơi kiểm soát bóng. Điểm hạn chế của ĐT nữ Việt Nam nằm ở việc ít tạo ra được cơ hội và chất lượng những cú dứt điểm còn tương đối thấp. Vấn đề này dẫn đến số lượng bàn thắng của đội không nhiều.
Bù lại, khả năng triển khai bóng của ĐT nữ Việt Nam rất tốt. Đội bóng của HLV Mai Đức Chung có một phong cách chơi bóng rất rõ ràng. Với sơ đồ 5-4-1, các cô gái nữ Việt Nam sẵn sàng chuyển sang 3-4-3 khi giành được quyền kiểm soát bóng với cặp wingback dâng cao ngang 2 tiền vệ trung tâm, tạo ra một tuyến giữa với 4 cầu thủ. Cũng tùy vào thế trận, sơ đồ này sẽ có nhiều biến thể dựa trên khả năng đọc trận đấu của HLV Mai Đức Chung.
Trước những đối thủ yếu hơn, ĐT nữ Việt Nam có thể hoàn toàn kiểm soát thế trận, chơi thứ bóng đá mình muốn. 3 trung vệ sẽ có nhiều thời gian và khoảng trống để quan sát và triển khai bóng từ tuyến dưới. Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra tại World Cup 2023 – giải đấu mà Huỳnh Như và các đồng đội bị coi là đội chiếu dưới so với 3 đối thủ cùng bảng. Ưu tiên hàng đầu của ĐT nữ Việt Nam là một lối chơi an toàn và chú trọng vào phòng ngự.
Thực tế, kỹ năng xử lý bóng bằng chân của các trung vệ ĐT nữ Việt Nam chưa tốt. Bên cạnh đó, hàng phòng thủ còn tương đối lóng ngóng khi bị đối thủ gây áp lực từ phần sân nhà nên rất dễ mắc lỗi, phương án phát triển bóng cũng không đủ tốt. Do đó, ĐT nữ Việt Nam gần như không có cơ hội để triển khai bóng ở phần sân nhà. Đó cũng chính là lý do khiến cho cặp tiền vệ trung tâm phải lùi sâu hỗ trợ dù cho đối thủ có chơi với đội hình thấp.
Dựa vào những phân tích ở trên, lối chơi của ĐT nữ Việt Nam có thể đơn giản hóa bằng cách kéo trung vệ lệch lên cao khi bóng được triển khai ở biên. Điều này giúp khối đội hình của ĐT nữ Việt Nam duy trì được sự chặt chẽ và luôn đảm bảo được quân số không bị đối phương áp đảo ở tuyến giữa. Trong trường hợp bị mất bóng, ĐT nữ Việt Nam có thể pressing ngay để giành lại quyền kiểm soát bóng và thực hiện những tình huống phản công tốt hơn, đồng thời khả năng phòng ngự cũng chặt chẽ hơn. Tương tự, tiền vệ cánh cũng lùi xuống để hỗ trợ lên bóng (như hình). Xét về lý thuyết, đây là cách tiếp cận an toàn nhưng thực tế vẫn không có gì đảm bảo khi họ đối mặt với những đội bóng tấn công thuộc hàng tốp thế giới.
Lấy ví dụ trên hình, tuyến hậu vệ và tiền vệ của ĐT nữ Việt Nam sẽ lùi sâu để triển khai bóng và thu hút sự theo kèm của đối thủ. Đồng thời, cầu thủ chơi cao nhất (ở đây là Huỳnh Như) sẽ di chuyển vào 1/3 cuối sân để kéo rộng khoảng cách giữa các tuyến của đối thủ. Tất nhiên, điều tương tự cũng xảy ra với ĐT nữ Việt Nam nhưng lại giúp cầu thủ tấn công ít bị phạm lỗi hơn và có cơ hội để xâm nhập vào vòng cấm địa. Nếu cách triển khai này thành công, ĐT nữ Việt Nam sẽ kiểm soát được 1/3 khu vực giữa sân. Còn khi toan tính này không thành, các học trò của HLV Mai Đức Chung cũng không gặp nhiều mối đe dọa ở khu vực này.
Với bất kỳ đối thủ nào, ĐT nữ Việt Nam đều giữ được sự kỷ luật chiến thuật và ưu tiên kiểm soát bóng cho dù đối thủ có chơi phòng ngự lùi sâu hay áp lực tầm cao. Những cầu thủ ở biên đóng vai trò quan trọng trong khâu triển khai bóng trước khi tìm ra phương án tấn công vào 1/3 sân đối thủ. Cầu thủ chơi cao nhất trên hàng công sẽ được hưởng lợi nhờ vào khả năng di chuyển rộng và kết hợp cùng với những người đồng đội có chung xu hướng tấn công nhanh.
Khi mọi toan tính đều đúng, bóng sẽ được luân chuyển cho Tuyết Dung. Bằng sự khéo léo và tốc độ của mình, Tuyết Dung sẽ tìm cách để tạo ra cơ hội cho Huỳnh Như bên trong vòng cấm đối thủ.
Phong cách phòng ngự
Dựa vào những số liệu phía trên, chiến thuật phòng ngự của ĐT nữ Việt Nam cũng đã mang lại những kết quả tích cực. Các học trò của HLV Mai Đức Chung có xu hướng áp sát đối phương từ sớm để ngăn chặn những đường triển khai bóng từ 2/3 phần sân nhà. Ngoài ra, ĐT nữ Việt Nam còn tích cực tham gia tranh chấp tay đôi trên không và cả dưới đất để ngăn chặn những tình huống dứt điểm của đối thủ, nhưng lối phòng ngự này đôi khi không như mong đợi.
Theo thống kê, tỉ lệ thắng tranh chấp tay đôi của ĐT nữ Việt Nam nằm ở mức dưới trung bình, tỉ lệ đoạt bóng ở những lần gây áp lực tầm cao trên trung bình một chút và đặc biệt là khả năng ngăn chặn đối thủ dứt điểm còn rất hạn chế. Ưu điểm của phong cách phòng ngự này là tạo ra cơ hội để các cầu thủ ĐT nữ Việt Nam phản công. Tuy nhiên, về khía cạnh phòng thủ, mọi thông số cho thấy các học trò của HLV Mai Đức Chung không giỏi phòng ngự và dễ dàng bị áp đảo nếu đối phương sở hữu nhiều nhân tố có nền tảng kỹ thuật và tư duy chiến thuật tốt. Giờ đây, hãy cùng đi sâu vào chiến thuật phòng ngự của ĐT nữ Việt Nam.
HLV Mai Đức Chung thường sử dụng 2 phong cách tiếp cận trận đấu: Lùi sâu với khối phòng ngự 5-4-1 hoặc dâng cao gây áp lực để phá vỡ hệ thống chiến thuật của đối phương.
Ở lối chơi phòng ngự lùi sâu bằng sơ đồ 5-4-1, các cầu thủ ĐT nữ Việt Nam sẽ chủ động theo kèm 1-1 và sẵn sàng áp sát đối thủ để sớm ngăn chặn những mối nguy hiểm đe dọa cầu môn đội nhà từ xa. Các cầu thủ tiền vệ biên cũng bó vào trung lộ để hạn chế những khoảng trống giữa hậu vệ biên và trung vệ lệch. Bộ đôi tiền vệ trung tâm cũng dâng cao tranh chấp trực diện với đối thủ.
Khi đó, 2 hậu vệ biên sẽ lùi sâu và tạo thành hàng phòng ngự 5 người, điều đó không có nghĩa rằng họ không được phép dâng cao hỗ trợ tấn công nhưng phải tùy thuộc vào lối di chuyển của toàn đội khi không có bóng. Có một điều quan trọng mà các đội bóng phải đảm bảo được khi chơi với phong cách này chính là sự đồng bộ, điều mà ĐT nữ Việt Nam còn thiếu khi vận hành lối chơi này ở những trận đấu vừa qua.
Dù chơi với phương án áp sát tầm cao hay lùi sâu phòng ngự, ĐT nữ Việt Nam rất bị động và dễ lộ ra điểm yếu trước những đối thủ có khả năng điều bóng khắp sân. Dựa vào hình ảnh ở trên, có thể thấy khi Huỳnh Như dâng cao áp sát đối thủ và đồng đội của cô lại lùi sâu và không phản ứng kịp. Đây là vấn đề lớn mà HLV Mai Đức Chung đang gặp phải khi đối mặt với những đội bóng trình độ cao tại World Cup 2023.
Điều tương tự cũng xảy ra khi vận hàng lối chơi gây áp lực tầm cao. Đây dường như là món vũ khí lợi hại của ĐT nữ Việt Nam nhưng sự đồng bộ vẫn là điều hạn chế. Các học trò của HLV Mai Đức Chung tranh chấp rất quyết liệt và nó chỉ hiệu quả khi kết cấu đội hình của toàn đội được giữ vững. Khi các cầu thủ dâng cao và chủ động theo kèm đối thủ của mình, cơ hội ghi bàn sẽ đến rất rõ rệt khi khoảng cách đến cầu môn được rút ngắn đáng kể.
Những tình huống tấn công trực diện và những đường đường ban bật thường xuyên xuất hiện khi ĐT nữ Việt Nam giành được bóng ở 2/3 giữa sân. Nhưng nhìn chung, Huỳnh Như và các đồng đội còn rất lúng túng ở khoảng 1/3 phần sân đối thủ. Nhiều tình huống các cầu thủ phải tung những cú sút xa từ những vị trí không thuận lợi, kéo theo cơ hội thành bàn không cao, dù ĐT nữ Việt Nam đã có có một vài siêu phẩm từ lựa chọn sút xa.
Sự vội vàng trong các pha xử lý cũng đến ở những tình huống chuyển đổi trạng thái của ĐT nữ Việt Nam.
Chuyển trạng thái
Khả năng chuyển đổi trạng thái sẽ đóng vai trò quyết định trong chiến thuật của ĐT nữ Việt Nam tại World Cup 2023. Xu hướng triển khai bóng của ĐT nữ Việt Nam theo chiều dọc sân, bất kể đối thủ chơi áp sát hay phòng ngự lùi sâu. Khi mất bóng, các học trò của HLV Mai Đức Chung sẽ áp sát đối thủ để đoạt lại quả bóng. Nhìn chung, ĐT nữ Việt Nam di chuyển chưa ăn khớp với nhau nhưng các cầu thủ lại vô cùng năng động và nhiệt huyết. Khi hoạt động hiệu quả, lối chơi này sẽ giúp ĐT nữ Việt Nam tạo ra được nhiều cơ hội ăn bàn. Ngược lại, họ sẽ dễ trả giá nếu để đối thủ thoát khỏi vòng vây ráp.
Theo những gì đã phân tích, ĐT nữ Việt Nam triển khai bóng phụ thuộc và những cầu thủ chạy biên và khả năng chạy chỗ của tiền đạo. Về nguyên tắc, cầu thủ chơi cao nhất sẽ đảm nhận khu vực trung tâm, nhưng với ĐT nữ Việt Nam, tiền đạo thường lùi xuống hoặc dạt biên để hỗ trợ đồng đội tấn công. Cặp tiền vệ trung tâm cũng đóng vai trò lớn trong chiến thuật của họ, khi một người di chuyển rộng hơn để hỗ trợ chuyển trạng thái tấn công. Một khi giành được bóng, ĐT nữ Việt Nam sẽ lập tức chuyển bóng nhanh để khai thác khoảng trống mà đối thủ đang bỏ lại.
Nhưng lối chơi tấn công trực diện, đặc biệt là ở hành lang biên đi kèm với rủi ro rất lớn. Khi chuyển đổi trạng thái từ tấn công sang phòng ngự, hàng thủ của ĐT nữ Việt Nam sẽ bao gồm 4-5 cầu thủ: 3 trung vệ và 1-2 tiền vệ trung tâm – tùy thuộc vào vị trí của người còn lại. Bên cạnh đó, hai hậu vệ biên phải đảm bảo được cường độ thi đấu và thể lực để thiết lập hàng phòng ngự 5 người.
Kết luận:
Ở lần đầu tiên có mặt tại sân chơi World Cup, mọi thứ dường như chống lại với ĐT nữ Việt Nam: Lần đầu được thử sức với những đội bóng có trình độ cao, không có nhiều ngôi sao trong đội hình. Tuy nhiên, điều mà thầy trò HLV Mai Đức Chung đang sở hữu chính là sự nhiệt huyết, tinh thần không bao giờ từ bỏ và đặc biệt là sự đoàn kết.
Bên cạnh đó, ĐT nữ Việt Nam đang có khí thế hừng hực sau tấm Huy chương vàng SEA Games thứ 4 liên tiếp cùng với 9 trận giao hữu trước thềm chiến dịch World Cup 2023. Dù đó không phải là một chi tiết quan trọng nhưng những yếu tố kể trên có thể giúp cho ĐT nữ Việt Nam tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
Như đã nói, nằm ở bảng đấu khó gồm ĐKVĐ ĐT Mỹ, Á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha, thách thức dành cho thầy trò HLV Mai Đức Chung vô cùng lớn. Nhưng đó cũng là cơ hội để các “bóng hồng” ĐT nữ Việt Nam trình diễn hết khả năng của mình, qua đó để lại dấu ấn riêng trong kỳ World Cup lịch sử của mình.
Minh Viễn (Theo Total Football Analysis)