Dow Jones khựng lại vì dữ liệu sản xuất bi quan của eurozone
Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều nhưng điểm số không thay đổi nhiều sau khi nhà đầu tư đón nhận thông tin bi quan về dữ liệu sản xuất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
Vào lúc thị trường đóng cửa hôm 23-9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 14,92 điểm (0,055%), lên mức 26.949,99 điểm nhưng hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,0097% và 0,064%.
Trong phiên giao dịch, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu thuộc các nhóm ngành phòng thủ như bất động sản và hàng hóa tiêu dùng cơ bản vì các công ty trong những lĩnh vực này thường kinh doanh tốt hơn trong thời kỳ tăng trưởng suy yếu.
Song đà tăng điểm bị khựng lại vào cuối phiên khi giới đầu tư lo lắng về đà tăng trưởng suy yếu của toàn cầu trước dữ liệu sản xuất yếu ớt ở khu vực eurozone.
Cuộc khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của eurozone rơi về mức 45,6 điểm trong tháng 9 này, mức thấp nhất trong 83 tháng qua. Trong khi đó, PMI ngành dịch vụ của eurozone cũng rơi về mức 52 điểm, thấp nhất trong 8 tháng qua.
Riêng chỉ số PMI ngành sản xuất của Đức trong tháng 9 giảm mạnh về mức 41,4 điểm, mức tệ nhất trong 10 năm qua. Nền kinh tế lớn nhất của eurozone đang tổn thương do sự xói mòn của các các điều kiện kinh doanh toàn cầu, làm dấy lên các lo ngại GDP của Đức sẽ tăng trưởng âm ở quí thứ hai liên tiếp trong quí 3 này, khiến nước này rơi vào suy thoái kỹ thuật.
“Nền kinh tế eurozone gần như đứng im khi đà suy giảm sản xuất có dấu hiệu lan sang ngành dịch vụ. Dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy GDP của eurozone có thể chỉ tăng trưởng 0,1% trong quí 3”, Chris Williamson, chuyên gia kinh tế cao cấp ở IHS Markit, nhận định.
Theo một báo cáo khảo sát khác của IHS Markit, trong tháng 9, chỉ số PMI ngành sản xuất của Mỹ đạt 51 điểm trong tháng 9, mức cao nhất trong 5 tháng qua và PMI ngành dịch vụ của Mỹ đạt 50,9 điểm, mức cao nhất trong hai tháng.
Dữ liệu này khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn dư địa tăng trưởng bất chấp các bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đà tăng trưởng suy yếu trên toàn cầu.
Sandip Bhagat, Giám đốc đầu tư ở Công ty Whittier Trust, cho rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ không rơi vào suy thoái sớm vào năm 2020 nhờ thị trường lao động và ngành dịch vụ vẫn vững mạnh, trong khi đó, sức ép lạm phát vẫn yếu.
“Dữ liệu xấu của châu Âu là một mối lo ngại nhưng giới đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế Mỹ”, Randy Frederick, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch và chứng khoán phái sinh ở Công ty Charles Schwab, nói.
Ông cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang rơi vào khoảng lặng khi các báo cáo lợi nhuận của quí 2 đã kết thúc nhưng mùa báo cáo lợi nhuận của quí 3 chưa bắt đầu. Hơn nữa, giới đầu tư cũng đang chờ đợi các thông tin rõ ràng hơn từ phía Bắc Kinh sau khi một phái đoàn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn dẫn đoàn hủy chuyến thăm các nông trại Mỹ ở bang Montana và Nebraska.
Trước đó, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ diễn ra nếu cuộc đàm phán Mỹ-Trung tại Washington kết thúc tốt đẹp. Trong hai ngày 19 và 20-9, tại Washington, hai phái đoàn thương mại do Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Jeffrey Gerrish và Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc, Liêu Mân, dẫn đầu đã thảo luận về các vấn đề nông nghiệp, quyền sở hữu tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Động thái hủy chuyến thăm khiến giới đầu tư suy đoán đàm phán Mỹ-Trung gặp bế tắc. Tuy nhiên hôm 23-9, hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho biết chuyến thăm này bị hủy theo yêu cầu của Mỹ. Họ nói rằng Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đã đề nghị Trung Quốc hủy chuyến thăm vì các lý do trong nước.
Trong khi đó, ông Hàn Tuấn nói rằng việc chuyến thăm bị hủy không liên quan đến kết quả cuộc đàm phán mới đây ở Washington mà do hai bên chưa sắp xếp được lịch trình của chuyến thăm. Ông khẳng định hai phái đoàn đã có cuộc thảo luận rất tốt về vấn đề nông nghiệp và Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác, kinh doanh nông nghiệp với Mỹ.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn giao dịch Comex ở New York tăng 16,4 đô la (1%) lên mức 1.531 đô la Mỹ/ounce. Trong phiên giao dịch, giá vàng có lúc chạm mức 1.534,35 đô la/ounce, cao nhất kể từ ngày 6-9.
“Số liệu PMI yếu ớt của Đức gây cú sốc nhẹ cho thị trường chứng khoán, khiến giới đầu tư rót tiền vào các tài sản an toàn như vàng và bạc”, Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường hàng hóa ở Công ty RJO Futures, nói.
Theo Market Watch, Reuters
Chánh Tài