Dòng tiền tích cực tìm cơ hội

Sự gia tăng rõ nét của thanh khoản, đặc biệt trong hai phiên cuối tuần qua cho thấy cục diện tâm lý giao dịch đang được cải thiện mạnh mẽ.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến đà tăng tích cực trong tuần qua, khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới.

Trong đó, các cổ phiếu công nghệ lớn và nhóm mega-cap tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, kéo các chỉ số thị trường tăng mạnh nhờ triển vọng tích cực từ cả yếu tố nội tại và vĩ mô.

Sự kết hợp giữa tín hiệu kỹ thuật khả quan, yếu tố mùa vụ thuận lợi, lập trường chính sách tiền tệ hỗ trợ từ Fed và kỳ vọng nền kinh tế cải thiện trong năm tới đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.

Dữ liệu được công bố gần đây cũng tiếp tục cho thấy bức tranh tăng trưởng bền vững của nền kinh tế số 1 thế giới, với thị trường lao động dần ổn định và lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì sự tăng trưởng.

Báo cáo việc làm khu vực tư nhân của ADP cho thấy, trong tháng 11, khu vực tư nhân tại Mỹ tạo thêm 146.000 việc làm, duy trì mức tăng trưởng lao động tốt, nhưng thấp hơn mức 184.000 của tháng 10. Các lĩnh vực nhạy cảm với kinh tế như sản xuất giảm 26.000 việc làm, trong khi các doanh nghiệp nhỏ giảm 17.000 việc làm.

Ngược lại, các doanh nghiệp lớn và lĩnh vực dịch vụ như giáo dục và y tế ghi nhận tăng trưởng việc làm mạnh mẽ. Chỉ số PMI dịch vụ tháng 11 giảm xuống 52,1 điểm, từ mức 56 điểm trước đó, cho thấy lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn.

Lĩnh vực sản xuất và xây dựng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. PMI sản xuất tăng lên 49,7 điểm trong tháng 11, vượt dự báo 48,8 điểm, trong khi ISM sản xuất cũng tăng lên 48,4 điểm, cao hơn mức kỳ vọng 47,5 điểm.

Mặc dù cả hai chỉ số vẫn dưới mốc 50 điểm, cho thấy sự co hẹp nhưng xu hướng cải thiện liên tục trong những tháng qua phản ánh động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Chi tiêu xây dựng tháng 10 tăng 0,4%, vượt xa dự báo 0,1%, dẫn đầu bởi chi tiêu cho nhà ở tăng mạnh 1,5%. Đặc biệt, mảng xây dựng nhà ở đơn lẻ ghi nhận mức tăng nổi bật, cho thấy triển vọng lạc quan, bất chấp nguồn cung thị trường còn hạn chế.

Đồ thị vận động các tài sản quan trọng

Đồ thị vận động các tài sản quan trọng

Phía thị trường chứng khoán khu vực châu Á đang thận trọng với các dữ liệu kinh tế và diễn biến địa chính trị ở một số khu vực. Các quyết định từ ngân hàng trung ương sẽ đóng vai trò định hướng ngắn hạn.

Tại Hàn Quốc, Quốc hội đã trình kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, gây ra biến động trên thị trường tài chính nước này. Các cơ quan tài chính tại Hàn Quốc đã nhanh chóng vào cuộc, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực nhưng vẫn khép lại một tuần giảm điểm.

Tại Nhật Bản, dữ liệu chi tiêu hộ gia đình tháng 10 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo giảm 2,6%. Tính theo tháng, chi tiêu tăng mạnh 2,9%, vượt kỳ vọng 0,4%. Kết quả này phản ánh tín hiệu phục hồi ngắn hạn trong tiêu dùng, nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn đối mặt nhiều thách thức.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản theo đó cũng diễn biến chậm lại trong những phiên giao dịch cuối tuần với tâm lý thận trọng trước dữ liệu kinh tế yếu.

Về vận động các loại tài sản, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4,18%/năm, tiến gần mức thấp nhất trong thời gian gần đây.

Một số chỉ báo tâm lý thị trường

Một số chỉ báo tâm lý thị trường

Điều này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn giữ lập trường thận trọng, nhấn mạnh rằng nền kinh tế đang mạnh hơn dự kiến với tăng trưởng vượt kỳ vọng, thị trường lao động duy trì ổn định và lạm phát vẫn cao. Nhìn chung, vận động lãi suất vẫn nằm trong xu hướng giảm.

Giá dầu ghi nhận giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì diễn biến ổn định trong tuần qua khi nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nguồn cung dồi dào năm 2025 và quyết định của OPEC+ hoãn tăng sản lượng đến tháng 4/2025. Giá dầu Brent vẫn duy trì quanh mức 72 USD/thùng và giá dầu WTI duy trì quanh mốc 68 USD/thùng.

Tâm lý giao dịch cải thiện mạnh mẽ

Dù ghi nhận diễn biến chậm lại trong ba phiên giao dịch đầu tuần qua, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng trở lại với sức bật mạnh mẽ trong hai phiên cuối tuần, với sự lạc quan được lan tỏa tích cực.

Theo đó, khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.270,14 điểm, tăng 19,68 điểm (1,57%) so với tuần trước đó, đánh dấu tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp.

Hỗ trợ tâm lý thị trường đến từ thông tin tổ chức FTSE Russell đã có buổi làm việc tại Việt Nam để đánh giá khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi". FTSE đang khá hài lòng với việc Việt Nam đã giải quyết được chính sách Non-Prefunding và có thể được nâng hạng vào tháng 3/2025 nếu Việt Nam giải quyết sớm được các vấn đề về thời gian cấp mã STC (Securities Trading Code) - mã giao dịch mà nhà đầu tư nước ngoài cần để tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của thị trường còn được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực, bao gồm cải cách bộ máy nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô và thu nhập doanh nghiệp duy trì đà phục hồi.

Điểm tích cực ghi nhận trong tuần qua là sự cải thiện rõ nét của thanh khoản, đặc biệt trong hai phiên giao dịch cuối tuần, giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao, thay vì duy trì sự thận trọng chỉ canh chỉnh để tham gia như trong hai tuần hồi phục trước đó, cho thấy cục diện tâm lý giao dịch đang được cải thiện mạnh mẽ.

Bộ 3 ngân hàng - chứng khoán - thép, thường đại diện cho các dòng cổ phiếu dẫn dắt, có độ nhạy cao và lôi kéo thanh khoản cho thị trường, cũng đồng thuận xuất hiện tín hiệu tăng ngắn hạn sau khi củng cố lại ngưỡng hỗ trợ.

Diễn biến này cho thấy bối cảnh giao dịch đang có sự thay đổi. Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau khi củng cố thành công ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm trong tuần, VN-Index đã trở lại xu hướng tăng, thậm chí lấy lại mốc 1.260 điểm (MA100, MA200) và tạo được sự hứng khởi trở lại của dòng tiền. Theo đó, chỉ số có thể tiếp tục mở rộng đà tăng và tiến tới ngưỡng mục tiêu tiếp theo quanh vùng 1.280 - 1.300 điểm.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index

Các chỉ báo định lượng cũng củng cố quan điểm trên khi hồi phục tích cực trong tuần qua. Trạng thái dòng tiền cải thiện mạnh mẽ trên các nhóm cổ phiếu vốn hóa. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn bật tăng mạnh mẽ, kéo chỉ số thị trường trở lại kèm thanh khoản lớn.

Cầu chủ động cũng cải thiện và duy trì tín hiệu tích cực với bên mua đang bắt đầu chủ động giải ngân thay vì chỉ chờ các phiên chỉnh.

Như vậy, khi các tín hiệu đồng thời xác nhận lẫn nhau và ủng hộ cho đà tăng thì sẽ dễ dàng tạo sự bứt phá mạnh về điểm số; đồng thời, giúp trạng thái hồi phục của thị trường có độ tin cậy cũng như bền vững cao hơn.

Song cần chú ý rằng, một số nhóm cổ phiếu có động lượng tăng giá sớm hơn so với thị trường chung sẽ có thể là nhóm chịu áp lực rung lắc chính và những nhóm cổ phiếu chưa tăng nhưng xác nhận tạo đáy ngắn hạn có thể được chú ý đến nhờ nền giá chặt chẽ, dư địa tăng đủ rộng sẽ nhanh chóng thu hút được dòng tiền đang trở lại thị trường.

Dẫu vậy, vẫn cần có một vị thế giải ngân mới chặt chẽ và thuận lợi. Theo đó, các vị thế mua mới cần chú ý ưu tiên canh các nhịp chỉnh, thay vì mua đuổi với các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng. Yếu tố nền giá, dư địa tăng giá cần được coi là những yếu tố tiên quyết tạo nên một vị thế giải ngân mới tối ưu.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-tich-cuc-tim-co-hoi-post359503.html