Đồng Nai lần đầu tiên tổ chức lễ hội Hương bưởi Tân Triều

Tối 16/1, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai tổ chức khai mạc lễ hội Hương bưởi Tân Triều năm 2025. Đây là lần đầu tiên ở Đồng Nai tổ chức một lễ hội về bưởi.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc lễ hội Hương bưởi Tân Triều.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc lễ hội Hương bưởi Tân Triều.

Lễ hội Hương bưởi Tân Triều năm 2025 diễn ra từ ngày 16 đến 19/1 tại Trung tâm Văn hóa thể thao-học tập cộng đồng xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

Trong chương trình, trưng bày 65 gian hàng giới thiệu các sản phẩm từ bưởi, các loại trái cây, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP; giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương.

Ngoài ra, lễ hội Hương bưởi Tân Triều còn có các hoạt động: Chương trình nghệ thuật Dòng mạch văn hóa bưởi; giải việt dã Cung đường hương bưởi; trải nghiệm gói bánh tét, làm nem bưởi...

Người dân tham quan gian hàng trưng bày tại lễ hội.

Người dân tham quan gian hàng trưng bày tại lễ hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương, lễ hội Hương bưởi Tân Triều năm 2025 là một bước tiến mới trên hành trình bảo vệ, xây dựng thương hiệu bưởi Tân Triều, góp phần quảng bá, đưa trái bưởi và những sản phẩm từ bưởi Tân Triều tới với du khách trong nước và quốc tế.

Đây còn là dịp để góp phần giúp Vĩnh Cửu hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng “Làng văn hóa-du lịch Tân Triều” tại xã Tân Bình, trở thành làng du lịch cộng đồng canh nông đúng nghĩa gắn với việc liên kết các nhà vườn trồng bưởi để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng phục vụ khách du lịch.

Lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu tôn vinh người trồng bưởi tiêu biểu.

Lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu tôn vinh người trồng bưởi tiêu biểu.

Vùng trồng bưởi Tân Triều tập trung chủ yếu ở 5 xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An của huyện Vĩnh Cửu. Đây là dải đất được bồi tụ bởi phù sa sông Đồng Nai, giàu dinh dưỡng, rất thích hợp cho cây bưởi sinh trưởng và phát triển.

Chuyện kể rằng vào năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ đã mang về từ Brazil hai cây bưởi và trồng trước sân.

Vì quả ra có vị ngọt, trái nhỏ vừa, xum xuê trĩu cành, nên người dân trong vùng chiết ra trồng ở trong vườn nhà họ. Từ đó, bưởi Tân Triều như hương thơm bay xa khắp tỉnh lỵ Đồng Nai và các vùng lân cận.

Những cây bưởi lâu năm ở làng bưởi Tân Triều.

Những cây bưởi lâu năm ở làng bưởi Tân Triều.

Theo nghiên cứu của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, vùng bưởi Tân Triều hình thành từ những năm sau 60 của thế kỷ 20, khi vùng đất này dân cư còn thưa thớt.

Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp với cây bưởi, thì yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng và thương hiệu bưởi Tân Triều.

Vùng Tân Triều có hơn 20 giống bưởi, trong đó có một số giống bưởi chất lượng cao được ưa chuộng như: đường lá cam, đường da láng, bưởi ổi, bưởi đường núm, bưởi thanh trà, thanh dây, bưởi xiêm...

Bưởi Tân Triều được xem là đặc sản của tỉnh Đồng Nai.

Bưởi Tân Triều được xem là đặc sản của tỉnh Đồng Nai.

Người dân Tân Triều có kinh nghiệm trồng bưởi hàng chục năm, phần lớn rất tâm huyết với nghề.

Cây bưởi đã mang lại cho họ nguồn thu nhập cao và ổn định trong những năm qua. Cùng với đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được các nhà vườn ứng dụng vào trồng, chăm sóc đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khai-mac-le-hoi-huong-buoi-tan-trieu-post856448.html