Động lực nào củng cố đà tăng trưởng của cổ phiếu MSN?
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan trở thành tâm điểm của thị trường khi đạt mốc 80.000 đồng – mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Đây cũng là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất vào đà tăng của VN-Index.
Ghi nhận trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 14/10, thị giá MSN đạt 80.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, cổ phiếu MSN đang có chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp, trở thành mã đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index trong những ngày đầu tháng 10.
Liên tục công bố các bước đi chiến lược, các mảnh ghép của Masan cũng dần thể hiện sức mạnh hiệp lực rõ nét là thông tin tích cực củng cố cho đà tăng của MSN.
Đặc biệt, chỉ số tài chính của VinCommerce (VCM) liên tục được cải thiện, Masan MEATLife (MML) đưa vào hoạt động Tổ hợp chế biến thịt mát MEATDeli Sài Gòn và chính thức gia nhập thị trường thịt gia cầm thông qua việc góp vốn 51% vào Công ty 3F Việt.
The CrownX - “quân át chủ bài” thúc đẩy mảng Tiêu dùng – Bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ
Sau khi tiếp quản nền tảng bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán (hơn 3000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+), chiếm gần 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại, thay vì tiếp tục mở rộng quy mô, Masan tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi bán lẻ này.
Nửa đầu năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 gây khó khăn cho toàn xã hội, VinCommerce vẫn đạt đà tăng trưởng khả quan với những chỉ số tài chính liên tục được cải thiện.
6 tháng đầu năm, VinCommerce đạt doanh thu hơn 15.800 tỉ đồng. Cụ thể, quí I/2020, doanh thu của VinCommerce đạt 8.709 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Quí II/2020, VinCommerce ghi nhận doanh thu 7.104 tỉ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước trong bối cảnh cách li xã hội do dịch bệnh COVID-19.
Trong quí II/2020, doanh thu từ chuỗi siêu thị mini VinMart+ tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG) là 3%.
Nửa đầu năm 2020, chuỗi VinMart+ tại Hà Nội cải thiện lợi nhuận, biên EBITDA 2% so với mức 1% của cùng kỳ 2019. Biên EBITDA của VCM ở mức - 6,7%, cải thiện 2% so với nửa đầu năm 2019.
Có thể thấy, kế hoạch cải thiện hiệu quả chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ bao gồm tối ưu hóa hệ thống điểm bán (đóng cửa các cửa hàng không đạt lợi nhuận, tiết giảm chi phí) cải thiện danh mục sản phẩm, thay đổi hình thức bày trí cửa hàng… đã bắt đầu gặt hái các kết quả tích cực.
VinMart/VinMart+ cho thấy các kết quả kinh doanh khả quan dưới sự điều hành của Masan.
Đáng chú ý, tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2020, Masan Group công bố thông qua việc thành lập Công ty Cổ phần The CrownX là công ty hợp nhất Masan Consumer Holdings và VinCommerce.
The CrownX chính là “tập đoàn tiêu dùng – bán lẻ có giá trị vượt trội, có khả năng dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực” như công bố của Masan khi sáp nhập VinCommerce.
Việc thành lập The CrownX sẽ giúp tối ưu cả 2 mảng sản xuất và bán lẻ của Masan Group. Mục tiêu, đến năm 2025, hệ sinh thái của The CrownX sẽ phục vụ hơn 30 triệu người tiêu dùng Việt Nam thông qua hệ thống hơn 30.000 điểm bán.
The CrownX sẽ giúp tối ưu cả 2 mảng sản xuất và bán lẻ của Masan Group.
Trong năm 2020, trọng tâm của The CrownX là xây dựng lộ trình cụ thể hướng đến mục tiêu hòa vốn ở mức độ EBITDA: Tăng tỷ suất lợi nhuận gộp ngang bằng với thị trường, tăng lưu lượng hàng hóa qua trung tâm phân phối trung tâm nhằm giảm chi phí logistics và tối ưu hóa chi phí SG&A nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn và bắt đầu xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng.
Các phát kiến mới trong phân khúc thực phẩm ăn liền, chiến lược cao cấp hóa danh mục và tăng tỷ trọng hàng tươi sống tại VinMart/VinMart+ là các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng hai chữ số của The CrownX so với nửa cuối của năm 2019.
Có thể thấy, việc tích hợp nền tảng hàng Tiêu dùng nhanh – Bán lẻ được bắt đầu trong nửa đầu năm 2020 và được đẩy mạnh từ nửa sau năm 2020 có thể là động lực cải thiện cả về doanh thu lẫn lợi nhuận của Masan.
MML khánh thành Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn và chính thức gia nhập thị trường thịt gia cầm
Đầu tháng 10/2020, Masan MEATLife đã khánh thành Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn tại Long An. MEATDeli Sài Gòn có tổng số vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, trong giai đoạn 1 nhà máy sẽ sản xuất thịt mát, sản phẩm chế biến từ thịt mát và các sản phẩm khác với công suất 155.000 tấn/năm.
Sau Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam, MEATDeli Sài Gòn được đưa vào hoạt động mới đây là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược của Masan MEATLife nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của hàng chục triệu người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm.
Hệ thống phân phối của MEATDeli cũng mở rộng nhanh chóng, từ 39 cửa hàng tại Hà Nội vào tháng 1/2019 lên 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, siêu thị CoopMart, Big C, các cửa hàng MEATDeli và các đại lý vào tháng 9/2020.
Chỉ sau gần 2 năm có mặt trên thị trường MEATDeli đã cho thấy các kết quả kinh doanh vô cùng khả quan. Tại siêu thị VinMart, MEATDeli đang chiếm 60% thị phần thịt lợn.
Mô hình thí điểm MEATDeli tại 30 cửa hàng VinMart+ đạt các kết quả thành công bước đầu, Masan đặt mục tiêu đưa MEATDeli có mặt tại 1.200 cửa hàng VinMart+ trong cửa cuối năm 2020. Với quy mô hơn 3000 siêu thị và cửa hàng, dư địa tăng trưởng của MEATDeli tại VinMart/VinMart+ còn rất lớn.
Tại siêu thị VinMart, MEATDeli đang chiếm 60% thị phần thịt lợn.
Đồng thời, MML công bố chính thức gia nhập thị trường gia cầm thông qua việc góp vốn 51% vào công ty 3F Việt. Đây được xem là những bước đi chiến lược củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào chiến lược đặt trọng tâm vào ngành thịt của MML.
Trên thị trường, các công ty liên kết của Tập đoàn Masan cũng ghi nhận tăng trưởng vượt bậc. Techcombank đạt lợi nhuận thuần trước thuế 6.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Bên cạnh đó cổ phiếu VCF (Vinacafe) cũng là "niềm mơ ước" của nhiều doanh nghiệp khi hơn nửa năm nay cổ phiếu VCF duy trì trên ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu.