Động lực cho người làm rừng và doanh nghiệp ngành gỗ

Những tháng gần đây, sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng tăng cao đã kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ; người làm rừng cũng gia tăng lợi nhuận, yên tâm đầu tư.

Xưởng chế biến gỗ ép xuất khẩu của Công ty TNHH Trà Phú Tân, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) đang hoạt động hết công suất để đảm bảo giao hàng đúng thời hạn. Anh Nguyễn Hữu Chí, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết, từ đầu năm đến nay sản phẩm sản xuất ra đến đâu, xuất khẩu hết đến đó. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 600 - 800 m3 gỗ ván ép. So với mọi năm giá gỗ dán thành phẩm tăng 100 - 200 nghìn/m3 tùy theo từng chủng loại. Hiện gỗ ván loại A là 3 triệu đồng/m3, loại B là 2 - 2,2 triệu đồng/m3. Riêng đối với gỗ dán loại A xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc là 4 - 5,5 triệu đồng/m3. Anh Chí chia sẻ, giá sản phẩm gỗ như hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ có lãi, bù đắp cho thời điểm những năm trước thị trường sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng bị ảnh hưởng do thị trường bị thu hẹp.

Sản phẩm gỗ băm dăm của Công ty TNHH Tân Phát (Yên Sơn) sẽ được đưa về Nhà máy Giấy, bột giấy An Hòa.

Sản phẩm gỗ băm dăm của Công ty TNHH Tân Phát (Yên Sơn) sẽ được đưa về Nhà máy Giấy, bột giấy An Hòa.

Công ty TNHH Tân Phát, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) cũng đang chạy tối đa công suất để cung ứng dăm cho 2 doanh nghiệp chế biến giấy là An Hòa và Bãi Bằng. Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty chia sẻ, trung bình mỗi tháng công ty sản xuất 100 - 120 tấn dăm. Giá dăm công ty đang giao cho bạn hàng từ 2,6 - 2,8 triệu đồng/tấn, tăng 200 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Bà Hồng khẳng định, giá gỗ dăm tăng nên công ty cũng điều chỉnh giá thu mua gỗ nguyên liệu với giá cao hơn.

Phân tích từ các chuyên gia, thị trường trong nước, thế giới đã dần phục hồi, nhu cầu tiêu dùng mua sắm tăng mạnh. Hơn nữa xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường đang là ưu tiên số 1 của nhiều người tiêu dùng. Đây là nguyên nhân khiến cho sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng tăng mạnh.

Giá sản phẩm gỗ tăng cao tác động tích cực đến toàn bộ chuỗi sản xuất. Tại nhiều địa phương, sau thời điểm người làm rừng giữ rừng không khai thác do giá xuống thấp thì nay đã tập trung khai thác để giải phóng đất trồng rừng chu kỳ mới.

Anh Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn khẳng định, năm 2021 - 2022 do gỗ nguyên liệu xuống thấp không có đơn hàng công ty tạm dừng khai thác. Từ giữa năm 2023 trở lại đây, thị trường gỗ nguyên liệu khởi sắc, điều này đã đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng đến tuổi và thực hiện trồng rừng chu kỳ mới. Theo anh Quảng, hiện giá bán gỗ tại rừng, cây đứng chưa bao gồm công khai thác, chi phí vận chuyển là 1 - 1,1 triệu m 3 tăng 50 - 100 nghìn đồng tùy vào từng loại rừng so với cùng kỳ năm 2023.

Sản phẩm gỗ dán của Công ty TNHH Trà Phú Tân, phường Phú Lâm (tp Tuyên Quang) xuất khẩu vào thị trường Thái Lan.

Sản phẩm gỗ dán của Công ty TNHH Trà Phú Tân, phường Phú Lâm (tp Tuyên Quang) xuất khẩu vào thị trường Thái Lan.

Tính đến hết tháng 3, đã có 2.000 ha rừng được khai thác, tương đương với 204.630 m3, đạt 20% kế hoạch. Dự tính trong năm 2024, sẽ có khoảng 10.000 ha rừng sẽ được khai thác để trồng rừng chu kỳ mới.

Giá gỗ nguyên liệu tăng cao là điều đáng mừng. Song ngành chức năng cũng khuyến cáo các chủ rừng nên trồng rừng theo đúng mùa vụ, thu hoạch rừng khi đủ độ tuổi khai thác. Đối với rừng sản xuất gỗ nhỏ là trên 7 năm, rừng sản xuất gỗ lớn là trên 10 năm, tránh thu hoạch rừng khi cây chưa đủ độ tuổi khai thác ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng gỗ, hơn nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi tập trung khai thác rừng trồng trên diện rộng sẽ làm mất độ che phủ, gây ra các nguy cơ về xói mòn, sạt lở, khô hạn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dong-luc-cho-nguoi-lam-rung-va-doanh-nghiep-nganh-go-191990.html