Động lực chăn nuôi hàng hóa ở Yên Minh
BHG - Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Yên Minh phát triển mạnh theo hướng hàng hóa với nhiều gia trại, trang trại, cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm được hình thành. Nguồn vốn tín dụng của Agribank Yên Minh trở thành “bệ đỡ” cho các mô hình chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn.
Mô hình nuôi lợn sinh sản và thương phẩm của gia đình cô Chu Thị Vuông, thị trấn Yên Minh nhiều năm nay là cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nhất huyện. Với hệ thống chuồng trại trên 1.000 m2, thường xuyên duy trì hàng trăm lợn thương phẩm và trên 30 lợn nái sinh sản, vừa tự cung cấp nguồn giống vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2019, doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng; năm 2020 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid – 19 nhưng doanh thu vẫn đạt trên 2 tỷ đồng. Để phát triển trang trại quy mô lớn như vậy, cơ sở chăn nuôi của cô Chu Thị Vuông đã được Agribank Yên Minh giải ngân cho vay 1,8 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống.
Cũng ở thị trấn Yên Minh, từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh, năm 2018, gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn Nà Tèn đã đăng ký vay 350 triệu đồng của Agribank Yên Minh để xây dựng cơ sở cung ứng giống vịt, ngan cho người dân trên địa bàn với quy mô khoảng 8 vạn con giống mỗi năm. Anh Tuệ cho biết: “Sau khi vay vốn của Agribank, gia đình tôi đã xây dựng 3 gian chuồng trại với diện tích 500 m2. Số kinh phí còn dư dùng nhập con giống tiêu chuẩn (1 ngày tuổi) của Viện Chăn nuôi giống gia cầm địa phương tại Hà Nội về chăm sóc đến khi đủ tuổi xuất bán ra thị trường. Hiện, mỗi tháng cơ sở cung ứng khoảng 10.000 con giống vịt, ngan cho các cơ sở chăn nuôi trong và ngoài huyện cũng như các thương lái tại các chợ phiên. Mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình cũng có nguồn thu trên 100 triệu đồng. Tôi đã hoàn trả số vốn vay hỗ trợ theo Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh và tiếp tục vay 350 triệu đồng của Agribank để tái quay vòng sản xuất”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Yên Minh, hiện nay tổng đàn gia súc của huyện có gần 104 nghìn con; trong đó có gần 13 nghìn con trâu, trên 21,7 nghìn con bò, 58,3 nghìn con lợn. Đàn gia cầm, thủy cầm có trên 408 nghìn con. Duy trì phát triển 24 trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn với quy mô từ 15 con trâu, bò trở lên; lợn từ 50 con trở lên; phát triển 4 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm. Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Yên Minh Nguyễn Văn Chương chia sẻ: “Với điều kiện huyện vùng cao, khó khăn, nội lực trong dân còn hạn chế, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn, nhất là Agribank đóng góp đáng kể vào sự phát triển lĩnh vực chăn nuôi hàng hóa của huyện. Trong giai đoạn 2016 - 2020 với chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn qua hệ thống ngân hàng Agribank theo Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh”.
Tính đến 31.7, tổng dư nợ của Agribank Yên Minh đạt 565 tỷ đồng, 100% là dư nợ khu vực nông nghiệp nông thôn. Trong đó giai đoạn 2016 – 2020, Agribank Yên Minh giải ngân cho vay theo Nghị quyết 209, 86 trên 45 tỷ đồng cho 532 hộ và 2 HTX vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất. Giám đốc Agribank Yên Minh, Lục Hưng Hoàn cho biết: “Agribank Yên Minh luôn sẵn sàng đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và bà con nông dân. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng quy mô sản xuất. Hy vọng nguồn vốn của Agribank sẽ là động lực cho người dân phát huy hiệu quả các mô hình chăn nuôi, giúp thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và làm giàu cho các hộ, doanh nghiệp, HTX”.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202109/dong-luc-chan-nuoi-hang-hoa-o-yen-minh-781665/