Động đất 4 độ richter ở Hà Nội: Nguy hiểm ở mức độ nào?

Sáng nay ngày 25/3, vào lúc 8 giờ 5 phút, khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã chứng kiến một trận động đất có độ lớn 4.0 độ Richter.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu đã xác nhận thông tin này, cho biết trận động đất có tọa độ 20.770 độ vĩ Bắc, 105.720 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá ở cấp 0, tương ứng với mức rung động nhẹ, có thể cảm nhận được nhưng không gây thiệt hại.

Vị trí tâm chấn trận động đất ở Hà Nội xảy ra sáng 25/3/2024.

Dù cường độ tương đối yếu, nhiều người dân sinh sống tại các khu vực cao tầng ở huyện Ứng Hòa và Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã cảm nhận được rung lắc nhẹ trong vài giây. Hiện tại, chưa có báo cáo về thiệt hại do trận động đất gây ra.

Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, rủi ro thiên tai được chia thành 5 cấp độ, dựa trên cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai. Cấp độ rủi ro được biểu thị bằng các màu sắc khác nhau:

- Cấp 1 (màu xanh dương nhạt): Rủi ro thấp

- Cấp 2 (màu vàng nhạt): Rủi ro trung bình

- Cấp 3 (màu da cam): Rủi ro lớn

- Cấp 4 (màu đỏ): Rủi ro rất lớn

- Cấp 5 (màu tím): Rủi ro ở mức thảm họa

Như vậy, trận động đất 4 độ Richter sáng nay tại Hà Nội được xếp vào cấp độ rủi ro 0, tương ứng với mức rung động nhẹ, tương tự như rung động do xe tải lớn đi qua. Mức độ rung động này không đủ mạnh để gây ra thiệt hại cho các công trình xây dựng kiên cố.

Theo quy định tại Điều 55 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định cấp độ rủi ro thiên tai do động đất bao gồm:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp V đến cấp VI, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VI đến cấp VII, xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VI đến cấp VII, xảy ra ở khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện; hoặc cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VII đến cấp VIII xảy ra ở khu vực nông thôn.

4. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VII đến cấp VIII, xảy ra ở khu vực đô thị hoặc khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện.

5. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được lớn hơn cấp VIII, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Để đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

Trước khi xảy ra động đất: Chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cần thiết như nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, bông băng, thuốc men…;Không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao, không đặt giường ngủ sát cửa kính; Gắn chặt các vật dụng trong nhà vào tường để tránh rơi xuống khi có rung động; Nắm vững lối thoát hiểm nếu sống ở chung cư và thường xuyên theo dõi thông báo của cơ quan phòng chống thiên tai.

Trong khi xảy ra động đất: Giữ bình tĩnh và di chuyển đến nơi an toàn; Nếu đang ở trong nhà, chui xuống gầm bàn hoặc gầm giường để tránh vật rơi; Nếu đang ở ngoài trời, di chuyển ra xa các tòa nhà cao tầng, cây to, cột điện và đường dây điện; Không sử dụng thang máy trong nhà cao tầng.

Sau khi xảy ra động đất: Kiểm tra xem có người bị thương hay không và sơ cứu nếu cần thiết; Kiểm tra nhà cửa xem có hư hại hay rò rỉ gas không, không sử dụng lửa nếu có mùi gas; Theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng để cập nhật tình hình và nhận hướng dẫn.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-dat-4-do-richter-o-ha-noi-nguy-hiem-o-muc-do-nao-310675.html