Động đất liên tiếp ở Quảng Nam và Kon Tum

Thống kê từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra gần 50 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4 độ richter. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai song vẫn khiến người dân hoang mang.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào lúc 16 giờ 40 phút 56 giây ngày 19/6, một trận động đất có độ lớn 3.7, độ sâu chấn tiêu khoảng 10.2km đã xảy ra ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Ngay sau động đất ở Kon Tum thì huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra động đất với cường độ lớn hơn. Cụ thể, vào lúc 16 giờ 57 phút 12 giây, ngày 19/06, một trận động đất có độ lớn 3.8, độ sâu chấn tiêu 8.1km đã xảy ra ở địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Vị trí xảy ra động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Vị trí xảy ra động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Hôm qua (18/6), cũng tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 3 trận động đất có độ lớn lần lượt là 2.5, 2.5 và 3.1, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km gây rung lắc, người dân ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.

Thống kê từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra gần 50 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4 độ richter. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.

Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.

Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-37-do-gay-rung-lac-o-kon-tum-169240619171122614.htm