Đồng cỏ Ba Vì, xứ sở vạn đảo và đất nước cực quang
Ngọc Lan, cô gái người Mường quê Ba Vì không ngờ quyết định du học giữa mùa COVID-19 lại mang đến hành trình vi vu gần 10 quốc gia từ Á sang Âu và nhận hai tấm bằng Thạc sĩ của Indonesia, Na Uy trong vòng chưa đầy 18 tháng.
Cơ hội đến vào phút chót
Đặng Thị Ngọc Lan (26 tuổi) là sinh viên khóa đầu tiên của chuyên ngành Nghiên cứu phát triển quốc tế, ngành Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khi tốt nghiệp thủ khoa ngành vào năm 2019, cô từng nói: “Mình không ngờ rằng, một học sinh dân tộc thiểu số có bảy năm sống dưới mái trường Nội trú lại có cơ hội bước chân ra khỏi Việt Nam. Các chuyến đi thực tế, trao đổi sinh viên thời đại học giúp mình nhận ra thế giới quả là rộng lớn và có nhiều điều cần học hỏi.”
Ra trường, cô chọn làm việc tại một số tổ chức phi chính phủ với mong muốn tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để ứng tuyển các học bổng du học. Bất ngờ đến vào tháng 3/2021, cô nộp đơn vào phút chót và trúng tuyển học bổng toàn phần khóa học Thạc sĩ Quản lý phát triển bền vững. Đây là khóa đầu tiên của chương trình hợp tác giữa Đại sứ quán Na Uy tại ASEAN và Tổ chức mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), Đại học Gadjah Mada, Indonesia và Đại học Agder, Na Uy.
Vì mọi chuyện diễn ra quá nhanh, từ lúc nộp đơn đến lúc bắt đầu chương trình học chỉ kéo dài hai tháng, nên thời điểm đó cô vẫn khá e ngại. Dù chương trình có nhiều ưu điểm và có học bổng toàn phần, nhưng cô chưa từng nghĩ đến việc đi du học Indonesia. Sau khi tham khảo ý kiến của thầy cô, người thân và người anh khóa trên, cô quyết định nắm lấy học bổng này, bởi “cứ đi rồi sẽ đến, cơ hội này có thể dẫn tới nhiều cơ hội khác mà mình chưa biết được”.
Quyết tâm là vậy nhưng khi bắt đầu mới thấy muôn vàn khó khăn ập đến. Chương trình học kéo dài hai năm nhưng được thiết kế tinh gọn để học viên có thể hoàn thành trong vòng 18 tháng. Bởi vậy mà quá trình học cũng căng thẳng và vất vả hơn nhiều. Học kỳ đầu tiên, vừa phải học trực tuyến, vừa phải tiếp tục làm công việc ở cơ quan, không dưới 5 lần cô có ý định muốn bỏ học. “Khoảng thời gian đó mình chênh vênh, thất vọng khủng khiếp, bao nhiêu thứ cảm xúc tiêu cực liên tiếp kéo đến”, cô nhớ lại.
Ngay sau Tết Nguyên đán năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, cô xách vali lên đường sang xứ vạn đảo. Nơi cô theo học là Đại học Gadjah Mada - một trong những trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất Indonesia. Tại đây, cô đã gặp rất nhiều bạn bè cùng chí hướng. Đó không chỉ là mối bận tâm chung đến các vấn đề phát triển bền vững, mà còn là lòng nhiệt huyết, sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn để trở thành những nhà lãnh đạo trẻ của các quốc gia ASEAN.
Hành trình bước ra thế giới
Ngoài chuyện “học”, chuyện “du” của Ngọc Lan cũng thu hái về nhiều điều hay ho. Trong những ngày tháng 4 này, cô lại nhớ về những ngày sống giữa “tháng nhịn ăn” Ramadan của người Hồi giáo ở Indonesia - nơi có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới. Dù đã nghe nhắc đến nhiều, nhưng đây mới là lần đầu cô được tận mắt quan sát và hòa mình vào tháng lễ thiêng liêng này.
Ở môn học “Bảo vệ tài nguyên rừng”, cô và các bạn có chuyến thực tế đến trung tâm bảo tồn cú và được tham gia một lễ hội truyền thống của người dân bản địa. “Dù hiện đã có các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, nhưng tại đây, họ kêu gọi người dân không sử dụng các chất hóa học đó, mà dùng các loại thiên địch để diệt chuột, trong trường hợp này là cú”, cô nhớ lại.
Còn với môn “Quản lý tài nguyên biển” lại là một kỷ niệm khó quên khác. Cả lớp phải dậy từ sáng sớm, cùng thầy giáo leo ngược vách đá đối diện biển để quan sát sóng biển, hướng gió, dòng nước, đường bờ biển, địa hình, quy hoạch cùng rất nhiều thứ khác. Trong một môn học khác, cô lại được tham gia hội trại “Leadership Camp” kéo dài vài ngày, được cùng các bạn tham gia rất nhiều hoạt động thực tế để học về những kiến thức quản trị và lãnh đạo.
Với số lượng nhiều thứ ba thế giới, núi lửa vốn được xem là một “đặc sản” của đất nước Indonesia. Bởi vậy mà khi đi du học, cô cũng tranh thủ thử món “đặc sản” này. Từ những chuyến đi phượt trên xe jeep cùng cả lớp, hay những ngày leo liền hai ngọn núi, đến mức mà lúc về chân thì rã rời mà da thì cháy nắng. Nhưng bù lại, cũng có những khoảnh khắc thật đẹp, như một đêm ngắm sao từ độ cao hơn 2200m so với mực nước biển, hay dậy từ 3 giờ sáng trong cái rét co ro 10 độ C để đợi mặt trời mọc.
Đối với cô, đó là những trải nghiệm quá ấn tượng mà nếu không nhờ học bổng du học thì không biết khi nào mới được thử qua. Có những ngày mà sáng lên rừng, chiều xuống biển, khi sáng vẫn còn đang hồ hởi leo núi, buổi chiều đã ngồi thuyền hóng gió biển khơi. Nhưng tuyệt vời nhất có lẽ là lúc ở đảo Bali để tĩnh tâm hoàn thành khóa luận. Theo cô, đó là khoảng thời gian Bali chưa mở cửa hoàn toàn cho khách tham quan, đời sống văn hóa của người dân vẫn còn đôi chút yên bình, chưa phải chịu cảnh ồn ào, đông đúc bởi các hoạt động du lịch.
Kết thúc năm học tại Indoneisa, với đề xuất nghiên cứu được giáo sư chấp nhận, cô có cơ hội để tiếp tục sang Na Uy học tại Trường Đại học Agder. Cầm thị thực châu Âu trên tay, cô đã thỏa sức khám phá những thành phố cổ kính và nên thơ như trong truyện cổ Anderson. Nếu như Indonesia là một chút hoang sơ, phóng khoáng của một quần đảo nhiệt đới với dân số đông thứ tư thế giới cùng nền kinh tế đang phát triển, thì “lục địa già” lại khiến cô trở nên trầm lắng hơn, nhẹ nhàng hơn.
Ngoài những tháng ngày bận rộn giữa việc học, đi làm, chuẩn bị báo cáo, thuyết trình, cô đã tranh thủ thực hiện được một trong những điều phải làm khi đến Na Uy - đi ngắm cực quang. Chỉ trong sáu tuần, cô đã kịp thả mình giữa đường phố Bắc Âu những ngày cuối thu lá vàng rơi rụng ở Gothenburg (Thụy Điển), đón chờ lễ hội hóa trang Halloween ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), đắm chìm vào không khí ấm cúng của ngày lễ Giáng sinh tại phố cổ ở Na Uy, hay thử cảm giác đứng xếp hàng để chờ gặp nàng Mona Lisa ở bảo tàng Louvre, Paris (Pháp). Không chỉ là cơ hội khám phá nhiều địa danh nổi tiếng, thời gian kể trên cũng giúp cô lấy được tấm bằng Thạc sĩ khoa học của Đại học Agder, cùng với tấm bằng MBA trước đó nhờ quá trình học tại Indonesia.
Nhìn lại những tháng ngày du học tươi đẹp đó, cô không ngờ chỉ từ một quyết định vào phút chót đã đưa cô đi xa đến vậy. Có lẽ “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân” chính là câu miêu tả cho quá trình du học đầy bất ngờ, thử thách cũng như vô vàn điều thú vị này của Ngọc Lan.