Đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cấp đất sản xuất

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị được bố trí 192 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân khai trên 37 tỷ đồng thực hiện Dự án 1; hơn 22,3 tỷ đồng thực hiện Dự án 2; trên 91,4 tỷ đồng thực hiện Dự án 4; hơn 12,2 tỷ đồng thực hiện Dự án 5; gần 26 tỷ đồng thực hiện Dự án 6 và trên 3,5 tỷ đồng thực hiện Dự án 10.

Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến tháng 9/2023, ở 2 huyện thụ hưởng Chương trình là Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cấp đất sản xuất. Cũng tại 2 huyện này, đã có trên 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp đất ở. Từ đó, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã thoát nghèo.

Nhờ đồng loạt triển khai nhiều Dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm sâu.

Để thực hiện các mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đúng tiến độ, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình. Đồng thời, xác định đây là Chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả. Do đó, ngày 29/6/2022, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhiều ngôi nhà tạm bợ của hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sống ở vùng miền núi của Quảng Trị đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà "3 cứng" từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719.

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND là hành lang pháp lý quan trọng mang tính "dẫn đường" để cả hệ thống chính trị ở Quảng Trị thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan, địa phương lập kế hoạch hàng năm sử dụng ngân sách hiệu quả hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Chương trình, góp phần hỗ trợ người dân vươn lên làm giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả bước đầu cho thấy, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năm 2023.

Quang Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-bao-dan-toc-thieu-so-duoc-huong-chinh-sach-cap-dat-san-xuat-post278554.html