Đông Anh: Phát triển kinh tế xanh gắn với xây dựng đô thị văn minh

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Đông Anh nỗ lực, thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội mạnh mẽ, hiệu quả. Huyện đã bám sát chỉ đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội, vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả rõ nét, toàn diện và quan trọng là theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, là huyện ngoại thành cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, Đông Anh có nhiều lợi thế để phát triển chủ lực ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, huyện đã gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh.

Bước đi thận trọng, chắc chắn để phục hồi kinh tế

Trước khó khăn trên, huyện Đông Anh đã xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi cụ thể nhằm hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Huyện Đông Anh xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Ngay sau khi thành phố trở lại hoạt động bình thường, thực hiện mục tiêu kép, huyện Đông Anh đã đặt mục tiêu phải bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động tốt nhất.

Bên cạnh đó, huyện duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách, thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu và phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm hướng đến hoàn thành kế hoạch thu ngân sách 5 năm 2021-2025.

“Đặc biệt, huyện Đông Anh thực hiện nhanh, đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ và Thành phố. Như triển khai các chính sách miễn, giảm thuế. Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lưu thông hàng hóa đảm bảo không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa” ông Linh nói.

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong dịch vụ thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế số. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Đáng chú ý, Đông Anh sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực, hoàn thành những mục tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XXIX Đảng bộ huyện, đưa Đông Anh trở thành huyện trọng điểm về kinh tế, đô thị hiện đại, trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 có 100% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và ít nhất trên 50% số xã có một trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã, 100% trạm y tế xã, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe, trên 95% người dân được tham gia BHYT.

Đến năm 2025, huyện sẽ cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và 100% các di tích không để tình trạng xuống cấp, đáp ứng sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Xây dựng đô thị văn hóa, hiện đại

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lê Trung Kiên, Đông Anh sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững với tốc độ bình quân đạt 10,2-10,5%/năm.

Trong đó, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh trong quá trình đô thị hóa nhằm chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo đúng Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIX Đảng bộ huyện đề ra.

Chương trình OCOP tại huyện Ðông Anh có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực

Đông Anh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX ổn định sản xuất kinh doanh. Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư theo quy hoạch, các doanh nghiệp, HTX công nghiệp có hàm lượng chất xám cao. Cùng với đó, phát huy có hiệu quả các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, phối hợp hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện và khai thác Khu công nghiệp Đông Anh với quy mô khoảng 600ha theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; sớm hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các điểm dân cư phát triển đô thị trên địa bàn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ.

Từ đó có thể thấy, huyện Ðông Anh có những cách làm riêng để vực dậy nền kinh tế, trong đó chú trọng nguồn lực từ cơ sở.

HTX Ba Chữ được xem là một điển hình thành công cho sự phát triển kinh tế tập thể tại Ðông Anh. Thành lập năm 2016, HTX Ba Chữ hoạt động theo mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh với khoảng 35 ha, cung cấp khoảng 30 loại rau, củ, quả cho các công ty, trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn thành phố. Có thời kỳ, lượng hàng giao dịch của HTX lên đến gần 10 tấn/ngày, thời điểm thấp nhất cũng đạt 5 - 6 tấn/ngày.

Giám đốc HTX Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Ðể duy trì thu nhập cho thành viên đạt từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, ngoài khuyến cáo giảm diện tích sản xuất, HTX tăng cường tuyên truyền để thành viên tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX Ba Chữ đã áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã chống hàng giả giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Không chỉ hướng đến những sản phẩm an toàn, HTX Ba Chữ còn đăng ký sản phẩm OCOP với mặt hàng rau cải xanh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Tuấn Hà, chương trình OCOP tại huyện Ðông Anh có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trọng tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua chương trình OCOP cho thấy đây là hướng đi đúng và trúng của huyện Ðông Anh trong khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, để không làm gián đoạn mục tiêu xây dựng huyện theo chuẩn đô thị.

Nhằm hướng đến chuẩn đô thị, văn minh, hiện đại, đặt mục tiêu lên quận trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch HĐND huyện nhận định, Đông Anh sẽ phát triển hạ tầng thương mại, hình thành các trung tâm mua sắm, kết hợp tham quan, giao lưu văn hóa, ẩm thực. Đồng thời, xây dựng phong cách ứng xử văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu hội nhập và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ. Song song đó, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, hợp tác, liên kết phát triển du lịch. nhanh, bền vững và sớm thành quận giàu đẹp, văn minh, là huyện thông minh, hiện đại bên bờ bắc sông Hồng của Thủ đô Hà Nội.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/dong-anh-phat-trien-kinh-te-xanh-gan-voi-xay-dung-do-thi-van-minh-1085650.html