Đồn đoán về khả năng Tổng thống Mỹ sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/11 cho biết ông đã được mời tới Moskva (Nga) tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng phát xít vào tháng 5/2020.
Thông báo này của "ông chủ Nhà Trắng" đang khiến dư luận đồn đoán về khả năng Tổng thống Trump có thể sẽ có cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp này vì Moskva xác nhận đã gửi lời mời đến người đứng đầu Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, trả lời phỏng vấn báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết: "Tôi đã được mời. Tôi đang suy nghĩ về điều đó. Sự kiện này diễn ra vào đúng giữa chiến dịch vận động tranh cử (Tổng thống) của chúng tôi, nhưng tôi chắc chắn sẽ cân nhắc về lời mời này".
Trước đó, giới chức Chính phủ Nga cũng cho biết Moskva đã gửi lời mời tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tuy nhiên phía Bình Nhưỡng chưa gửi phản hồi.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng 3 lần gặp nhau kể từ tháng 6/2018, nhằm nỗ lực đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đổi lại Mỹ sẽ có những nhượng bộ về kinh tế và chính trị đối với quốc gia châu Á này. Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đình trệ do sự bất đồng về tiến độ phi hạt nhân hóa, cũng như thời điểm nới lỏng các lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, hai nhà lãnh đạo luôn bày tỏ sẵn sàng gặp lại nhau.
Ông Jo Chol-su - một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên - ngày 8/11 đã hối thúc Mỹ sớm đưa ra quyết định "hướng tới tương lai", đồng thời cảnh báo rằng "cơ hội đang dần khép lại từng ngày". Lời kêu gọi của ông Jo Chon-su tại Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân Moskva 2019 được xem là động thái mới nhất trong một loạt nỗ lực của Bình Nhưỡng, nhằm hối thúc Washington đưa ra các đề xuất mới trong cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã dành nhiều thời gian cho Mỹ và chúng tôi sẽ chờ đợi kết quả cho đến cuối năm nay. Mặc dù chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra theo hướng tích cực, nhưng tôi phải nhắc lại rằng cơ hội đang khép lại từng chút một mỗi ngày".
Theo ông Jo Chol-su, Triều Tiên đã cố gắng hết sức để thể hiện sự sẵn sàng trong tiến trình phi hạt nhân hóa, do đó phía Mỹ cần đưa ra sự phản hồi "cùng cấp độ" và tin tưởng vào các nỗ lực của Bình Nhưỡng, vì vấn đề này "không thể được giải quyết đơn phương".
Tháng trước, tại Stockholm (Thụy Điển), Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên ở cấp chuyên viên, sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được bất cứ tiến bộ hữu hình nào trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên này.