Đội tuần tra nữ bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon được ví như 'những chú kiến mạnh mẽ'

Yuturi Warmi, một nhóm tuần tra nữ của Ecuador, đã tuyên bố sẽ bảo vệ đất đai của cộng đồng trong rừng nhiệt đới Amazon khỏi sự ô nhiễm của các ngành công nghiệp khai thác. Nỗ lực của họ đang phát huy hiệu quả.

 Một tấm biển thể hiện sự phản đối của cộng đồng Serena đối với việc khai thác mỏ

Một tấm biển thể hiện sự phản đối của cộng đồng Serena đối với việc khai thác mỏ

"Những chú kiến mạnh mẽ"

Elsie Alvarado, một trong những thành viên của Yuturi Warmi, cho biết, trong tiếng Kichwa bản địa, "Yuturi" là một loại kiến ở Amazon có đặc điểm mạnh mẽ và phòng thủ, còn "Warmi" có nghĩa là "phụ nữ". Cô nói: "Chúng tôi chọn tên này cho nhóm vì nó tượng trưng cho sức mạnh của chúng tôi, giống như những con kiến cố gắng bảo vệ lãnh thổ của chúng". Nhóm Yuturi Warmi kiên định theo dõi mối đe dọa từ các hoạt động khai thác mỏ. Nhóm gồm 154 thành viên, chịu trách nhiệm tuần tra một vùng đất ước tính rộng khoảng 7,8 - 10km2. Mặc dù có báo cáo về tình trạng ô nhiễm kim loại ở thượng nguồn và hạ lưu của dòng sông nhưng những người phụ nữ này cho biết mảnh đất của họ vẫn còn nguyên sơ.

"Nước ở cộng đồng Serena vẫn trong lành, cho phép chúng tôi câu được các loài cá như catachamas và bocachicas. Chúng phát triển mạnh ở những vùng nước không bị ô nhiễm. Thiên nhiên gắn liền với chúng tôi; hủy diệt thiên nhiên có nghĩa là làm hại chính mình", bà Corina Andy, một thành viên khác của nhóm, cho biết.

Cách Tena, thủ phủ của tỉnh Napo, một tiếng lái xe, cộng đồng Serena nằm trong số 50 cộng đồng bản địa dọc theo sông Jatunyacu. Việc bảo vệ Amazon liên quan đến việc bảo vệ lãnh thổ khỏi ô nhiễm; bảo vệ đất đai và sông ngòi khỏi các hoạt động phá rừng và khai thác mỏ, gây tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học. Andrea Sempértegui, nhà nghiên cứu tại Đại học Whitman ở Washington (Mỹ), nhấn mạnh "cuộc chiến lâu dài nhưng vô hình của phụ nữ bản địa đối với ngành khai thác". Các nhóm như Yuturi Warmi đang "đưa cuộc đấu tranh này lên hàng đầu và nhận được sự công nhận".

Leila Cerda, một thành viên của nhóm Yuturi Warmi

Leila Cerda, một thành viên của nhóm Yuturi Warmi

Cô Elsa Cerda (43 tuổi), người đóng vai trò lãnh đạo nhóm Yuturi Warmi, cho biết quan điểm của nhóm là "đứng ở tuyến đầu, thể hiện sự kiên cường, quyết tâm và sức mạnh của phụ nữ bản địa ở Amazon". Chất xúc tác cho sự hình thành của nhóm Yuturi Warmi bắt đầu vào năm 2020 khi 35 phụ nữ Serena, bao gồm nông dân, người nội trợ, nghệ nhân và sinh viên, đoàn kết để bảo vệ mảnh đất và dòng sông của họ. Những phụ nữ này tụ tập hàng tuần để cập nhật tin tức của cộng đồng, chia sẻ các phương pháp giám sát, phát hiện những hoạt động gây hại cho cộng đồng, đồng thời đề xuất giải pháp. Rosaura Alvarado, một bà mẹ đơn thân, cho biết: "Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm trong việc bảo vệ những dòng sông, món quà của tổ tiên đã để lại cho chúng tôi".

Lúc đầu, nhóm Yuturi Warmi đối mặt với phản ứng dữ dội từ những người đàn ông trong cộng đồng. Chồng của cô Cerda ban đầu tỏ ra nghi ngờ, sau đó quan điểm của anh ấy đã thay đổi và anh ấy hiện ủng hộ việc làm của vợ.

Lãnh đạo tiên phong

Khi các mối đe dọa đối với Amazon, một khu vực trải dài trên 9 quốc gia Nam Mỹ và có diện tích 6,5 triệu km2, tiếp tục gia tăng, sự hiện diện của lực lượng bảo vệ ngay tại cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng. Người dân Ecuador đã phản đối việc khoan dầu; 60% dân số nước này đã bỏ phiếu vào năm 2023 về việc chấm dứt hoạt động khoan dầu ở Vườn Quốc gia Yasuní. Các nhóm phụ nữ bản địa như Yuturi Warmi và Xikrin ở Brazil đang cho thấy sức ảnh hưởng của mình.

Tại tỉnh Napo, chính quyền địa phương đã cấp 153 nhượng quyền khai thác hợp pháp trên diện tích 323 km2 kể từ năm 2007. Cả hoạt động khai thác hợp pháp và bất hợp pháp ở Amazon thuộc địa phận Ecuador đều có tác động đến môi trường và phúc lợi của con người. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư và tử vong do ngộ độc ở người lớn và trẻ em sống gần các khu vực bị ô nhiễm do khai thác mỏ.

Nhóm Yuturi Warmi thực hiện tuần tra khu vực mỗi tháng một lần, lập kế hoạch tỉ mỉ về vùng đất. Được dẫn đầu bởi Cerda, họ đi dọc theo bờ sông và đi sâu vào các khu rừng xung quanh. Đội tuần tra được trang bị máy ảnh và máy bay không người lái để phục vụ cho hoạt động tuần tra. Nguồn tiền để mua sắm các thiết bị này từ sự quyên góp của cộng đồng và tiền thu được từ việc bán đồ thủ công. Trong các cuộc tuần tra, thường kéo dài 2-3 ngày, những người phụ nữ này luôn lưu tâm đến bất kỳ dấu hiệu nào của việc xâm lấn, khai thác hoặc gây ô nhiễm môi trường. Khi đi tuần tra, họ ghi lại những phát hiện của mình bằng hình ảnh và video, sau đó lập danh mục và phân tích dữ liệu. Dữ liệu này đóng vai trò như một công cụ quan trọng trong nỗ lực vận động chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và quốc tế thông qua mạng xã hội. Trong trường hợp phát hiện hoạt động khai thác trái phép, đội tuần tra sẽ thu thập bằng chứng và gửi về cơ quan chức năng để xử lý.

Ngoài trực tiếp tuần tra, nhóm Yuturi Warmi còn đẩy mạnh các hoạt động pháp lý nhằm bảo vệ vùng đất của mình. Một trong số đó là "Chiến dịch Manati" diễn ra vào tháng 2/2022. Chiến dịch này nhằm vạch trần những hoạt động tác động xấu đến môi trường trong cộng đồng Yutzupino ở Napo, nơi giáp ranh với Serena. Từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, nhóm đã phát hiện hơn 700 thợ mỏ không có giấy phép thực hiện các hoạt động khai thác vàng trên khu vực rộng 103ha. Hoạt động này đã gây thiệt hại cho khoảng 0,42 km2 lưu vực sông Jatunyacu. Ngày 13/4/2022, tòa án cấp tỉnh ra phán quyết yêu cầu Bộ Môi trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch khắc phục và trồng lại rừng cho khu vực bị ảnh hưởng.

Nhóm Yuturi Warmi nói rằng, công việc của họ khác với các nhóm bảo vệ khác, những người chủ yếu tập trung vào tuần tra trên đất liền. Họ nhấn mạnh việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của người bản địa, đồng thời chuyển sang các hoạt động như may vá và làm đồ trang sức thủ công. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác vì những công việc thủ công này có thể mang lại thu nhập thay thế cho cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Sempértegui nói: "Đó là một mô hình về sự tham gia của phụ nữ bản địa trong phát triển cộng động. Tác động của Yuturi Warmi và các nhà lãnh đạo nữ khác tại khu vực Amazon đã vượt ra ngoài chủ nghĩa bảo vệ môi trường. Họ tích cực ủng hộ chính sách môi trường bắt nguồn từ rừng, bao gồm bảo tồn văn hóa, bản sắc và môi trường. Tầm nhìn của họ là tìm cách tích hợp một quan điểm tổng thể, định hình tương lai bền vững nhằm tôn vinh cả vùng đất và con người ở đó".

Nguồn: BBC

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ecuador-doi-tuan-tra-nu-bao-ve-rung-nhiet-doi-amazon-20240605170845824.htm