Đối thoại chủ nhật: Ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao

Hà Nội không chỉ là Thủ đô của đất nước mà còn là 'Thủ đô của sản phẩm OCOP' (Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm') với nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của TP Hà Nội đến nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chí: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện chương trình OCOP bảo đảm đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.778 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.486 sản phẩm 4 sao, 1.274 sản phẩm 3 sao. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024 đạt hơn 3.000 sản phẩm, vượt kế hoạch đến năm 2025 trước một năm, trở thành điểm sáng và đi đầu cả nước trong phát triển Chương trình OCOP-đây cũng là lý do vì sao người ta lại gọi Hà Nội là “Thủ đô của sản phẩm OCOP”.

 Ông Nguyễn Văn Chí. Ảnh: NGHINH XUÂN

Ông Nguyễn Văn Chí. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Vậy Hà Nội làm gì để khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm đạt từ 4 sao, 5 sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” vì có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay, đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua và trong thời gian tới.

Để khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là đối với những sản phẩm đạt từ 4 sao, 5 sao, Hà Nội xác định trọng tâm cốt lõi trong phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô năm nay và những năm tiếp theo là tiếp tục triển khai Chương trình OCOP đến cấp xã; rà soát, hỗ trợ tư vấn cho chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu tem nhãn, bao bì, nâng hạng sao, xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao; ưu tiên phát triển sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế về lịch sử-văn hóa, sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với dịch vụ du lịch, sản phẩm OCOP làm quà tặng... hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.

 Lụa tơ tằm, tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (huyện Mỹ Đức) trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 ở Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN

Lụa tơ tằm, tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (huyện Mỹ Đức) trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 ở Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Ông có thể cho biết Chương trình OCOP của Hà Nội thời gian tới sẽ tập trung quảng bá những sản phẩm gì?

Ông Nguyễn Văn Chí: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, sự kiện gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, ở nước ngoài, như: Sự kiện "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh"; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tỉnh Điện Biên; chuỗi các sự kiện công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP thành phố, kết hợp trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Lễ hội Sen Hà Nội; Festival sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất năm 2024; các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng Nam bộ; nhất là việc tổ chức các tuần hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng...

 Nghệ nhân thêu trình diễn tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 ở Hà Nội. Ảnh: DIỆP ANH

Nghệ nhân thêu trình diễn tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 ở Hà Nội. Ảnh: DIỆP ANH

PV: Vậy đâu là nét đặc trưng sản phẩm OCOP của Hà Nội để giới thiệu, quảng bá tới người dân trong và ngoài nước, nhất là du khách nước ngoài khi tới thăm Thủ đô, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Chương trình OCOP được thực hiện theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Vì vậy, sau khi sản phẩm đáp ứng đủ yêu cầu của bộ tiêu chí, được chứng nhận OCOP, thì được sử dụng nhãn hiệu OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao. Hiện nay, Hà Nội có nhiều sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá tới người dân trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài khi tới thăm Thủ đô, như: Chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen của huyện Mỹ Đức, áo dài Trạch Xá của huyện Ứng Hòa, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng của huyện Gia Lâm; sản phẩm từ mây, tre đan của huyện Chương Mỹ; chè sen của quận Tây Hồ; chè kho Đại Đồng của huyện Thạch Thất; sản phẩm sơn mài khảm trai của các huyện Thường Tín, Phú Xuyên...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-uu-tien-phat-trien-xuat-khau-cac-mat-hang-co-loi-the-canh-tranh-cao-800466