Đổi thay và giấc mơ du lịch ở Cát Tiên

Vẫn còn không ít khó khăn, nhưng bức tranh về đời sống kinh tế - xã hội của bà con huyện Cát Tiên (Lâm Ðồng) nay đã thêm những gam màu tươi sáng.

Trước đây, nói đến Cát Tiên là nhắc đến vùng rốn lũ với bao nhọc nhằn khi mùa nước thượng nguồn từ Ðồng Nai đổ về. Từ Ðạ Tẻh vào thị trấn Cát Tiên đường đất đầy ổ gà, ổ trâu, lầy lội khi mùa mưa và bụi mù trời những tháng nắng. Chỉ có xe máy và đi bộ để tới được nơi này, nên dù chưa đầy 30km nhưng phải mất hàng giờ đồng hồ mới tới trung tâm. Hai bên đường dặt những vườn chuối, dâu, mía ngút ngàn… Do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nên lúa chỉ trồng một vụ đông xuân… Bởi thế, đời sống của người dân nơi đây khó khăn chồng chất.

Đường bê tông xi măng tỏa đi các thôn, xóm

Sau chục năm trở lại, mọi thứ ở đây thay đổi đến ngỡ ngàng: Những đồng lúa, ngô xanh mướt; diện mạo nông thôn khang trang hẳn với đường bê tông xi măng tỏa đi các thôn, xóm và nhà ngói kiên cố trở thành gam màu chủ đạo cho bức tranh làng quê.

Nhiều ngôi nhà kiên cố được xây trên vùng rốn lũ

Giờ, nhiều người dân ở đây không chỉ biết cấy những giống lúa đặc sản nức tiếng như OM 4900 mà còn bứt lên làm giàu nhờ nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn, hiện đại; nuôi trồng cỏ... Bởi thế, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm bền vững theo từng năm.

Những đồng cỏ xanh mát để chăn nuôi bò

Bà Nguyễn Thị Phú (xã Tư Nghĩa) cho biết: Gia đình bà có 4ha đất vườn, trước đây chỉ biết trồng chuối và ít rau rừng lặt vặt để ăn, nên kinh tế rất khó khăn. Nay, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư, gia đình bà ngoài trồng lúa còn trồng nhiều cây có giá trị kinh tế như chôm chôm thái, mít tố nữ, nghệ, trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá, gà... Nhờ đó, gia đình bà không chỉ thoát nghèo mà còn xây được nhà khang trang.

Ngoài giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, lãnh đạo huyện còn chú trọng đến cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Cát Tiên có 21 sắc dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là người dân tộc bản địa Châu Mạ và S’Tiêng. Đến nay, số thôn, buôn có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%; số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% thôn, buôn có đường giao thông; trên 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và 100% được khám bệnh miễn phí theo quy định.

Đường, lưới điện quốc gia đạt tỷ lệ cao

Khó khăn đã vơi nhiều, cuộc sống khấm khá hơn, người dân nơi đây giờ mong ước được sung túc hơn. Họ mơ một ngày ngoài làm ruộng nương còn có thể là hướng dẫn viên du lịch.

Ngày càng nhiều khách du lịch đến với vùng Tây Nguyên này

Giấc mơ của họ có cơ sở, khi quảng trường Phạm Văn Đồng đã được xây dựng khang trang ngay trung tâm huyện lỵ; đường cao tốc Dầu Giây - tuyến mới sẽ đi qua ngay cạnh Cát Tiên. Khi đó, vào chiều thứ sáu mỗi tuần, khách từ TP. Hồ Chí Minh lên Cát Tiên chỉ khoảng 3 giờ (thay vì 5 giờ như hiện nay) để khám phá thêm một điểm đến trong hành trình đi tới miền đất mới Đồng Nai thượng của du khách...

Cây si trăm thân tại Vườn quốc gia Cát Tiên

Cát Tiên chứa trong lòng một quần thể di tích khảo cổ học đồ sộ, cùng với khu dự trữ sinh quyển tầm cỡ thế giới. Năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, như một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu.

Vườn quốc gia Cát Tiên hội tụ các luồng hệ thực vật phong phú

Vườn quốc gia Cát Tiên hội tụ các luồng hệ thực vật phong phú và có tính đa dạng sinh học cao. Chưa hết, nơi đây còn có một hang thoát y với truyền thuyết vô cùng lãng mạn của đồng bào dân tộc bản địa “cầu được ước thấy” đang chờ du khách trong và ngoài nước.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-va-giac-mo-du-lich-o-cat-tien-156574.html