Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc
Nhờ triển khai thực hiện Đề án 1672 lồng ghép với các chương trình khác của Chính phủ, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống và Cơ Lao đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, khiến một số mục tiêu đề ra đạt thấp.
Nhờ triển khai thực hiện Đề án 1672 lồng ghép với các chương trình khác của Chính phủ, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống và Cơ Lao đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, khiến một số mục tiêu đề ra đạt thấp.
Bài 3: Để chính sách đi vào cuộc sống đạt hiệu quả hơn
Để đồng bào các dân tộc ít người có thể bắt kịp sự phát triển của vùng nói riêng, của cả nước nói chung, cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào dân tộc chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Khó khăn trong bố trí vốn
Việc thực hiện đề án 1672 cùng hàng loạt các chương trình khác của Chính phủ đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao có sự thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, ngoài một số chỉ tiêu về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, y tế và giáo dục ở hai tỉnh Hà Giang và Điện Biên đã hoàn thành, còn nhiều chỉ tiêu khác chưa hoàn thành. Các hộ dân đồng bào dân tộc cơ bản mới chỉ dừng ở mức xóa đói, tốc độ giảm nghèo chưa nhanh. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, đến cuối năm 2018, tỷ lệ thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa ở tỉnh Lai Châu mới đạt gần 64%, ở Hà Giang đạt 25%; tỷ lệ thôn, bản có điện, nước sinh hoạt mới đạt 23%, tỷ lệ hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở ở Điện Biên mới đạt 40%... Hệ thống hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, các hủ tục lạc hậu tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so mặt bằng chung ở các dân tộc khác.
Ngay trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo cán bộ, những mặt được đánh giá thực hiện hiệu quả nhất của Đề án, kết quả vẫn ở mức hạn chế. Hiện nay, các xã có đồng bào người Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao sinh sống, có rất ít cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp huyện là người thuộc bốn thành phần dân tộc trên. Mặc dù, tỷ lệ chuyên cần của học sinh các cấp học tăng nhiều, song ở những bậc học cao như THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, số học sinh là người bốn dân tộc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ của đề án còn manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) Trần Văn Nam, mức hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi mỗi lần không quá hai triệu đồng/hộ, chỉ đủ mua mấy chục con gà, vịt giống. Đồng bào dân tộc không có kỹ thuật chăm nuôi, tỷ lệ con giống bị chết cao, nuôi đến lúc lớn chỉ còn vài con, chỉ đủ nhu cầu sử dụng trong gia đình. Sau đợt hỗ trợ thì không có sự tái đầu tư, tái sản xuất.
Đại diện lãnh đạo các xã Pa Ủ, Tá Bạ huyện Mường Tè (Lai Châu) cho rằng, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, mức quy định 15 triệu đồng/hộ hay mức hỗ trợ xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh ba triệu đồng/hộ tại các xã biên giới vùng sâu, xa chưa đủ mua tấm lợp và xi-măng, trong khi hầu hết các hộ gia đình là hộ nghèo "bền vững”, không có nguồn đóng góp thêm. Việc hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân thực hiện một lần/năm cũng chưa phù hợp với thực tế. Bởi mỗi lần hỗ trợ, hộ ít nhân khẩu được hỗ trợ vài tạ, hộ đông nhân khẩu nhận cả tấn gạo; không thể ăn ngay một lúc mà để dành ăn dần thì không bảo quản được, cho nên còn tình trạng sử dụng gạo hỗ trợ sai mục đích… Đó là chưa kể vấn đề thiếu, chậm vốn, đầu tư dàn trải… khiến nhiều mô hình sinh kế "chết yểu”, nhiều công trình không có nguồn đầu tư…
Nguyên nhân của tình trạng này là do Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao" theo Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2013 mới được cấp kinh phí thực hiện.
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển ở giai đoạn 2016 - 2020, để tăng quyền chủ động cho các địa phương, Chính phủ đã chuyển một số nhiệm vụ ngân sách T.Ư hỗ trợ về nhiệm vụ chi trong cân đối ngân sách địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, các tỉnh triển khai đề án đều là các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, hằng năm phải nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, nên việc bố trí vốn đầu tư phát triển chưa được quan tâm thỏa đáng, trong khi các nguồn vốn khác chưa huy động được. Chính vì vậy, đến cuối năm 2018, tổng kinh phí ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang thực hiện các nội dung của đề án mới đạt 40,1%.
Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Bế Đình Lai cho biết, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Lai Châu vẫn chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện đầu tư. Mặc dù Ban Dân tộc đã có công văn đề nghị các tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án, nhưng do nguồn lực của Lai Châu quá hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách T.Ư cấp nên nội dung này vẫn chưa thực hiện được.
Theo thống kê, tại Lai Châu, sau năm năm Đề án được phê duyệt, nguồn vốn dành cho đầu tư mới đạt được 17% so với mục tiêu đề án. Sau sáu năm, nguồn này tăng lên đến 23%, và đến cuối năm 2018 mới đạt 40,19% so với mục tiêu Đề án. Tại huyện Mường Tè, tính đến giữa năm 2019, số vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc Đề án 1672 mới đạt 1/3 mục tiêu; vốn cho hỗ trợ cho sản xuất mới đạt 1/5 mục tiêu của Đề án. Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, Mai Văn Thạch cho biết thêm, huyện đã phải bố trí lồng ghép thêm vốn từ các chương trình khác, nếu không thì mức bố trí vốn còn thấp hơn.
Tại tỉnh Điện Biên, còn 37 danh mục công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cống chưa được bố trí vốn đầu tư. Tại tỉnh Hà Giang, tình trạng bố trí vốn đầu tư cho Đề án cũng gặp phải những khó khăn tương tự.
Cùng với việc chậm bố trí vốn, những vướng mắc liên quan định mức, suất đầu tư cũng chưa được như mong muốn. Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, Mai Văn Thạch nhận định, do Đề án xây dựng đã lâu, các nội dung của Đề án được tiến hành khảo sát từ năm 2009, với định mức hỗ trợ thấp, đến nay không còn sát thực tế. Vì vậy, hiện nay, nếu phê duyệt đầu tư các công trình theo đúng quy mô của Đề án ban đầu thì nguồn tiền đầu tư vượt so với mức quy định. Chính vì thế, các công trình khi đầu tư đều phải cắt giảm một số hạng mục cho phù hợp nguồn vốn.
Còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Những năm gần đây, mặc dù đời sống có nhiều thay đổi, tư duy nhận thức của đồng bào Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao đã có nhiều chuyển biến hơn trước. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, vì vậy chưa đủ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) Trần Văn Nam nhận định, nếu bà con dân tộc Mảng chăm chỉ làm ăn, cùng những chính sách hỗ trợ cây, con giống phù hợp điều kiện của từng vùng, từng đối tượng cụ thể thì hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn. Ở xã Trung Chải, mô hình trồng dong riềng, cây nghệ và chăn nuôi gia súc tập trung rất phù hợp, vì vậy, mọi hỗ trợ của Nhà nước đều tập trung vào những loại cây, con có thế mạnh này, nhưng người dân không chịu làm hoặc làm không tới nơi tới chốn, nên hiệu quả không cao. Sau khi hỗ trợ cây trồng, cán bộ xã phải vận động các hộ dân thì họ mới mang trồng, nhưng trồng cây xong họ cũng không chăm sóc, để cây tự lớn. Đối với các con giống cũng vậy, Nhà nước cho con giống, cho cám để nuôi, nhưng họ chỉ chăm khi còn thức ăn Nhà nước cho, đến khi hết thức ăn thì họ lại thả con vật chạy vào rừng, sống chết mặc kệ.
Anh Lò Văn Điện, Trưởng bản Nậm Vời, xã Nậm Pỳ, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) lắc đầu ngao ngán khi nói về thực trạng của bản mình: "Bà con trồng cây nhưng cứ phó mặc cho thiên nhiên. Cán bộ hướng dẫn đào hố, trồng theo khoảng cách nhưng họ có nghe đâu. Đến phân bón Nhà nước hỗ trợ bón cho cây, cán bộ xuống cấp phân ra khỏi nhà là họ vứt đống để đấy luôn, không mang bón cho cây. Thế nên, nghèo vẫn nghèo thôi ”.
Cần những giải pháp đặc thù và đồng bộ
Trong quá trình tìm hiểu và gặp những người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương được thụ hưởng các chương trình, đề án hỗ trợ các dân tộc nhất là dân tộc ít người, nhiều ý kiến bày tỏ nguyện vọng việc lựa chọn đầu tư nên trao quyền tự quyết cho các địa phương, bởi vì mỗi vùng, mỗi dân tộc, kể cả trong cùng một dân tộc cũng có những nhóm đối tượng khác nhau, do đó phải có chính sách sát với thực tế và tạo được động lực thật sự để các dân tộc khó khăn vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, mỗi chính sách, dự án đưa ra cần cân đối bố trí nguồn lực thực hiện trước lúc ban hành, tránh tình trạng đang triển khai thì hết vốn.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lò A Tư, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, là người dân tộc Mảng, cho rằng, với các dân tộc như dân tộc Mảng, dân tộc La Hủ, nên có chính sách, đề án riêng. Vì đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng rất khó khăn, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, nước và tập tục sản xuất, canh tác còn lạc hậu, chưa theo kịp với các dân tộc khác, do đó cần có đề án, chính sách riêng. Trong đó, chọn các nhóm hỗ trợ cho các đối tượng và vùng sinh sống phù hợp điều kiện canh tác, thổ nhưỡng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ bà con trồng rừng, gắn trồng rừng với phát triển chăn nuôi gia súc.
Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) Mai Văn Thạch kiến nghị, tăng hạn mức đầu tư, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các danh mục đã được phê duyệt của Đề án. Hiện nay, bà con cơ bản đã được xóa đói, hộ nghèo cũng đang giảm, nhưng nếu muốn phát triển thì mục tiêu Đề án cũng phải xem xét lại. Giai đoạn vừa qua là đầu tư trồng cây lương thực thông thường, giai đoạn tới phải tính đến trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện từng vùng.
Về cơ chế, cũng cần có cơ chế riêng, đặc thù bởi các dân tộc này có xuất phát điểm thấp. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho con em đồng bào. Đặc biệt, cần có chính sách đặc thù hay cơ chế ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào các dân tộc này vào các cơ quan nhà nước, nhất là trong lực lượng vũ trang địa phương. Việc hoạch định chính sách, cần xây dựng lại tiêu chí để gắn với nhu cầu thực tế của người dân, chứ không nên cào bằng theo địa bàn hành chính dưới sự giám sát của chính HĐND. Nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc ít người là rất cần thiết, nhưng nên chú trọng vào các vấn đề mà các dân tộc, nhóm dân tộc đang khó khăn.
Việc trao quyền gắn trách nhiệm, có kiểm tra giám sát chặt các chương trình đầu tư hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn cũng nên xem xét. Trong đó, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm tuyên truyền, vận động để người dân xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ. Quá trình thực hiện Đề án cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa ngành chủ quản với địa phương. Tránh tư tưởng coi đề án là của riêng một cơ quan, đơn vị nào để khi triển khai các chương trình, dự án ở địa bàn thì cơ sở lại phó mặc cho đơn vị chủ quản.
Bà Lò Thị Vương, nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản thì đã có các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý thực hiện có sự giám sát của nhiều đơn vị. Riêng hỗ trợ các lĩnh vực an sinh xã hội và sinh kế, nên bỏ hình thức hỗ trợ trực tiếp, mà nên hỗ trợ theo hình thức gián tiếp. Nghĩa là để cho người dân tự làm, làm được thì hỗ trợ khuyến khích. Cái này để tránh tính trông chờ, ỷ lại, nhận hỗ trợ cây, con giống xong thì thả, trồng rồi phó mặc cho thiên nhiên. Nhà nước nên tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; xuất khẩu lao động; khoanh nuôi, trồng rừng hưởng lợi phí dịch vụ.
Thực hiện những giải pháp nêu trên, đồng bào các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao mới thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, bảo vệ môi trường và chủ quyền biên giới quốc gia, đúng như mục tiêu của Đề án 1672.
Theo Nhandan