Đời sống Một nửa Việt Nam trong lòng người lính Mỹ

Gặp được Thomas – một thiếu tá đang phục vụ trong không lực Hoa Kỳ, tôi được nghe câu chuyện ly kỳ về một người lính Mỹ từng dậy sóng trên mặt báo trong năm 2006 và cả tâm hồn của anh dành cho đất nước Việt Nam.

Tác giả (bên phải) cùng Thomas chụp ảnh lưu niệm. Phía sau là mỏm núi - nơi Thomas từng bị rơi

Tác giả (bên phải) cùng Thomas chụp ảnh lưu niệm. Phía sau là mỏm núi - nơi Thomas từng bị rơi

Câu chuyện rùng mình 13 năm trước...

Tháng 4 năm 2006, thiếu sinh quân Thomas Avolio đến từ thành phố Des Moines (tiểu bang Washington) bị ngã 200 feet (tương đương 60 mét) khi đang leo lên đỉnh Eagle ở phía Tây Nam Colorado.

Anh bị chấn thương sọ não nghiêm trọng và tổn thương dây thần kinh thị giác ở mắt trái. Tỉnh dậy sau 4 tuần hôn mê, các bác sĩ cuối cùng đưa ra kết luận: Cơ hội sống của anh rất nhỏ và khó lòng phục hồi hoàn toàn.

Sau 7 tuần được điều trị, các chuyên gia khuyên rằng, cách tốt nhất để phục hồi là thực hiện liệu trình luyện tập cho bộ não song song với phục hồi các chức năng khác.

Từ đó, Thomas bắt đầu một chương trình tập luyện thể chất nghiêm ngặt. Khi chức năng vận động có biến chuyển, anh chuyển sang tập nặng, có khi chạy 18 đến 30 dặm mỗi tuần trên đôi chân khập khiễng. Và tập phát âm với chuyên gia ngôn ngữ trị liệu mỗi ngày.

Sau chặng đường vượt lên chính mình, tháng 10/2007, Thomas trình diện trước hội đồng đánh giá vật lý của Không quân Hoa Kỳ ở San Antonio (tiểu bang Texas) để được chấp thuận trở lại học viện và Thomas đã nhận được một kết quả không tưởng: Được chấp thuận trở lại học viện...

Với nhiều bạn bè của Thomas, kể cả người không quen biết trên toàn nước Mỹ, câu chuyện của anh được truyền tai nhau như một món quà kỳ diệu mà cuộc sống đem lại.

“Thomas đã mang theo sức mạnh của một chiến binh, truyền cảm hứng cho rất nhiều thanh niên trên toàn nước Mỹ vì anh đã chưa bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn”. Rất nhiều tờ báo ở Mỹ đã nhận xét như vậy về sự phục hồi thần kỳ này.

Làm rể Việt

Thomas dẫn tôi tham quan một vòng học viện không lực Hoa Kỳ nằm ở phía Bắc thành phố Colorado Springs (tiểu bang Colorado), nơi đào tạo các sĩ quan cho lực lượng không quân và cũng là trường đại học có diện tích khuôn viên rộng thứ hai của nước Mỹ.

Anh chỉ cho tôi xem mỏm núi "cấm"- nơi anh từng bị té ngã cách đây hơn 13 năm. Và cả những bức ảnh cá nhân lái xe máy cùng vợ dọc đất nước Việt Nam.

Ngồi nghỉ mát dưới chiếc máy bay B52 đồ sộ đã từng ném bom miền Bắc Việt Nam trong cuộc không kích “Linebacker II” được trưng bày bên ngoài đường băng của sân bay huấn luyện, tôi đùa: “Cảm ơn bạn đã cho tôi xem tận mắt cái pháo đài bay bất khả xâm phạm từng muốn hủy diệt Tổ quốc, gia đình tôi”.

Điều đó như chạm vào nỗi đau của Thomas: “Tôi xin lỗi, đáng lý ra hai đất nước chúng ta đã tránh được một cuộc chiến tranh. Và bản thân tôi cũng chẳng bao giờ muốn xảy ra chiến tranh ở đâu thêm một lần nữa!”.

Rồi Thomas kể về mùa Noel năm 2014, khi lần đầu tiên đến Việt Nam để ra mắt gia đình của Thiện An – người vợ chưa cưới của mình. Với anh, đó là chuyến trải nghiệm không thể quên khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất và cảm nhận cái nóng gần 100 độ F (khoảng 38 độ C) khi ngồi sau chiếc xe Cup 50 cũ kỹ cùng An.

Một kỷ niệm không quên của chuyến đi là lần gặp một gia đình người thân của Thiện An ở Huế với bác chủ nhà từng phục vụ trong quân đội Nhân dân Việt Nam. Thomas cũng có người cậu ruột là đại tá trong một trung đoàn bộ binh từng tham chiến tại Việt Nam.

Cuộc gặp giúp anh có cái nhìn gần hơn, rõ hơn về những người lính ở bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ đã gây ra.

Ở đó, anh được nghe bài thơ “Emily, con...” của nhà thơ Tố Hữu từ giọng khàn khàn của một người lính Cụ Hồ. Cuộc trò chuyện "bằng tay" giữa một người lính Mỹ đang tại ngũ và một cựu chiến binh Việt Nam về những câu chuyện đời thường cùng những mong ước xây dựng cuộc sống trong hòa bình, hình như không còn khoảng cách.

Ở đằng xa, nhìn con của Thomas - cậu nhóc Joseph Bách Avolio mang hai dòng máu Việt Mỹ- đang chạy tung tăng quanh chiếc máy bay trưng bày đã gỡ hết vũ khí tại thành phố Colorado Springs xanh mát, tôi đã cảm nhận được “một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to” mà mọi người mang lại cho nhau để hai đất nước xa xôi về địa lý thêm xích lại gần nhau hơn...

Chọn Việt Nam làm đề tài tốt nghiệp

Tháng 2/2014, Thomas bảo vệ luận án thạc sĩ chuyên ngành khoa học chính trị của mình với đề tài “Chiến tranh Việt Nam: Vai trò chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong năm 1945 trong việc hình thành nguồn gốc chiến tranh” với sự hướng dẫn của giáo sư Ronald M. Peters.

Là một người lính sinh ra thời hậu chiến, anh đau đáu những câu hỏi về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam vào năm 1945. Anh tự hỏi: Liệu chính quyền Mỹ lúc đó có từng xem xét đến các yếu tố lịch sử và địa lý tác động trong việc xây dựng chính sách đối ngoại thuận lợi hơn đối với Việt Nam vào năm 1945 bởi cách tiếp cận như vậy có thể sẽ tạo ra một kết quả thuận lợi hơn cho lợi ích của nước Mỹ mà không phải chịu các thiệt hại thảm khốc trong chiến tranh sau này. Thay vào đó, họ đã đánh giá sai một cơ hội vào năm 1945 từ đó hình thành cho việc nước Mỹ tham gia vào cuộc xung đột vũ trang mà chính anh cũng thẳng thắn chia sẻ: “Đó là một quyết định tồi tệ kéo theo những quyết định tồi tệ khác”.

Bài, ảnh: Phan Quốc Vinh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/mot-nua-viet-nam-trong-long-nguoi-linh-my-a73334.html