Đối ngoại quốc phòng và công tác giữ gìn an ninh biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân xác định tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Vùng biển, đảo Tây Nam là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ.

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân có nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảo Tây Nam từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với chiều dài bờ biển khoảng 450 km, diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km2, giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

Đây là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, suốt 45 năm qua (26/10/1975-26/10/2020), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân xác định tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Theo Thiếu tá Khúc Văn Hậu, Hải đội trưởng Hải đội 512, đến nay, biên đội tàu thuộc Hải đội đã thực hiện 41 chuyến tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Trong các chuyến tuần tra chung, Biên đội tàu Hải quân 2 nước Việt Nam- Thái Lan phối hợp thực hiện các nội dung huấn luyện trên 6 tuyến với các tình huống khác nhau như huấn luyện cờ tay theo luật tín hiệu quốc tế, huấn luyện đội hình và báo cáo của sỹ quan trực canh; diễn tập tìm kiếm cứu nạn; tổ chức luyện tập theo Bộ quy tắc ứng xử cho cuộc gặp bất ngờ trên biển (CUES); buổi tối hai bên tổ chức huấn luyện sử dụng tín hiệu ánh đèn theo luật tín hiệu quốc tế.

Việc luyện tập các nội dung đó giúp Hải quân hai nước trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Huấn luyện nội dung cờ tay trong quá trình tuần tra chung. (Nguồn: VOV)

Quá trình phối hợp tuần tra chung, từng lực lượng tổ chức quan sát, phát hiện và kiểm tra các phương tiện hoạt động qua lại vùng biển tuần tra chung theo quy chế. Thường xuyên giữ vững thông tin liên lạc, kết hợp sử dụng cờ tay, cờ hiệu, thông tin vô tuyến điện, ngôn ngữ sử dụng tiếng Anh theo quy luật thông tin tín hiệu quốc tế để trao đổi những thông tin cần thiết và sẵn sàng phối hợp để xử lý các phương tiện vi phạm theo nguyên tắc, quy chế đã thỏa thuận.

Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Việt Nam và Căn cứ biển Hải quân Hoàng gia Campuchia cũng đã tổ chức tuần tra chung 60 chuyến trên vùng nước lịch sử của hai nước Việt Nam – Campuchia; trực tiếp tham gia tuần tra chung lần thứ 60 giữa Vùng 5 Hải quân và Hải quân Hoàng gia Campuchia là tàu 251, Hải đội 512, Lữ đoàn 127.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Tây Nam Bộ giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Vùng biển Tây Nam có khoảng 130 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 5 quần đảo gồm: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc và một số đảo độc lập.

Ý thức rõ nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng luôn quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đối ngoại quốc phòng, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, một trong những yếu tố quyết định thành công trong hoạt động đối ngoại quốc phòng của Vùng là chất lượng công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Để làm được điều đó, Vùng đã chỉ đạo cơ quan chức năng biên soạn, hoàn thiện các nội dung tuyên truyền, đảm bảo vừa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, vừa sâu sắc trong lập luận, sâu rộng về nội dung, linh hoạt về hình thức, đa dạng về đối tượng.

Trong đó, khẳng định rõ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; phản ánh sinh động, kịp thời ý chí, nguyện vọng và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Quá trình thực hiện, các đơn vị tập trung tuyên truyền cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực về Luật biển quốc tế; các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước về khai thác hải sản; phạm vi vùng biển của các nước; các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực. Qua đó, góp phần ngăn chặn và hạn chế việc ngư dân của ta khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, cũng như việc ngư dân các nước vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam.

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam, đảm bảo an toàn an ninh vùng biển, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân hôm nay tiếp tục nỗ lực phấn đấu, trau dồi bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

(theo VOV)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-ngoai-quoc-phong-va-cong-tac-giu-gin-an-ninh-bien-dao-tay-nam-cua-to-quoc-127261.html