Đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục và đào tạo năm học 2023-2024

Chủ đề năm học 2023-2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề ra là 'Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT'. Bám sát nhiệm vụ năm học, ngành GD-ĐT tỉnh xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với địa phương, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, hoàn thành tốt các mục tiêu GD-ĐT năm học. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Thành Công, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT về mục tiêu trong năm học mới 2023-2024. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Các cô giáo Trương Tiểu học Đông Thành (thành phố Ninh Bình) chào đón học sinh lớp 1 tới Trường. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá những kết quả nổi bật của ngành đã đạt được trong năm học 2022-2023?

Đồng chí Phan Thành Công: Năm học vừa qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, ngành Giáo dục tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ năm học với kết quả toàn diện, có nhiều nổi bật là:

Đảm bảo quy mô trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong điều kiện thiếu giáo viên; công tác quản lý, quản trị nhà trường có nhiều đổi mới, từng bước tăng quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục; kỷ cương, nền nếp được tăng cường. Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Điểm trung bình các bài thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Hai năm liền tỉnh Ninh Bình có học sinh đoạt giải Nhất Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT; tham gia các kỳ thi, cuộc thi, hội thi cấp quốc gia đạt nhiều thành tích cao. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao. Phong trào học ngoại ngữ được đẩy mạnh, chất lượng từng bước nâng cao; phát động và triển khai phong trào xây dựng trường học "Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Hạnh phúc", phong trào "Tặng sách cho em" bước đầu tạo hiệu ứng tích cực; công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính luôn trong tốp đầu các sở, ngành của tỉnh, năm 2022 xếp thứ nhất về chuyển đổi số.

Phóng viên: Chuẩn bị cho năm học mới 2023- 2024, ngành Giáo dục đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thành Công: Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, Sở GD-ĐT đã đôn đốc, phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, rà soát, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp trong dịp hè, tập trung các hạng mục: Lớp học, bếp ăn, công trình nước sạch, công trình vệ sinh… Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 16/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về xây dựng trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn Quốc gia; chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác mua sắm trang thiết bị dạy học.

Cùng với đó tập trung chỉ đạo, rà soát sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp nhất về số lượng và cơ cấu môn học. Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, như hoàn thành bồi dưỡng đại trà các modul, cử giáo viên đi bồi dưỡng dạy môn KHTN, Lịch sử - Địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018… Tổ chức bồi dưỡng chính trị hè, chuẩn bị cho giáo viên các điều kiện và tâm thế tốt nhất bước vào năm học mới với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn thi đua dạy tốt - học tốt, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2023- 2024 với kết quả cao nhất.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Vậy nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 được ngành đặt ra là gì?

Đồng chí Phan Thành Công: Năm học 2023-2024, Ngành Giáo dục Ninh Bình bám sát định hướng của Bộ GD-ĐT và yêu cầu thực tiễn địa phương, tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm là: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Tăng cường, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho dạy và học. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo giai đoạn 2024-2030. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đổi mới công tác quản lí giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018; thúc đẩy hợp tác giáo dục.

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trung tâm, trong đó năm học này, ngành Giáo dục chú trọng hơn giáo dục kỹ năng cho học sinh; đưa phong trào "xây dựng trường học xanhsạch-đẹp-an toàn-hạnh phúc" ở các cơ sở giáo dục đi vào chiều sâu. Riêng đối với cấp học mầm non, gắn với xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm, tập trung nâng cao chất lượng bếp ăn cho trẻ. Đối với giáo dục phổ thông là đổi mới quản lí, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đẩy mạnh phong trào và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; tăng cường giáo dục STEM, đặc biệt ở cấp Tiểu học. Đối với GDTX là tập trung đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân cùng với nâng cao chất lượng giáo dục.

Phóng viên: Trong các nhiệm vụ đặt ra, công tác chuyển đổi số được ngành tiếp tục thực hiện như thế nào?

Đồng chí Phan Thành Công: Chuyển đổi số giáo dục là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 49/KHUBND ngày 14/32021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai kế hoạch thuê dịch vụ CNTT, từng bước nghiên cứu, triển khai xây dựng Hệ sinh thái giáo dục tỉnh Ninh Bình, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các kỳ thi, trong dạy, học và quản lý hồ sơ chuyên môn, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên. Áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice), chữ ký số tại các cơ sở giáo dục...

Phóng viên: Hiện toàn ngành đã chuẩn bị các điều kiện cho ngày khai giảng và ngày "Toàn dân đưa trẻ tới trường" như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thành Công: Năm học 2023-2024, toàn ngành có 476 cơ giáo dục, trong đó có 154 trường Mầm non (trong đó có 8 trường Tư thục); 146 trường Tiểu học (trong đó có 1 trường Tư thục); 134 trường THCS; 7 trường liên cấp Tiểu học và THCS; 27 trường THPT (trong đó có 2 trường Tư thục); 1 trung tâm GDTX, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh (trực thuộc Sở GDDT) và 7 trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố (trực thuộc UBND huyện, thành phố). Toàn tỉnh có 7.276 lớp/nhóm lớp, với 262.545 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX, quy mô trường, lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Ngành Giáo dục đã tổng kết năm học 2022-2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023- 2024 và ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới; hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng năm học mới và ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên đội ngũ thầy giáo, cô giáo, học sinh bước vào năm học mới với tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo"; tạo sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Lễ khai giảng được thống nhất tổ chức vào buổi sáng ngày 5/9/2023.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-moi-sang-tao-hoan-thanh-tot-cac-muc-tieu-giao-duc-va-dao/d20230825091010785.htm