Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền lịch sử Đảng
Các cấp ủy được yêu cầu đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Ngày 22-2, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phạm Đức Hải cho biết từ năm 2018 đến năm 2022, Thành ủy TP HCM đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn ngân sách TP với tổng số là 59 ấn phẩm sách. Các công trình, ấn phẩm sách này có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn đáp ứng được mục đích, yêu cầu Chỉ thị đặt ra.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã được thành phố và các cấp ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời, triển khai nghiêm túc.
Các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản tăng lên về số lượng và chất lượng. Các Đảng bộ, cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt việc nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị.
Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng Internet, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và các lớp bồi dưỡng chính trị cho các lớp đối tượng Đảng, cảm tình Đoàn, chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị... mang lại kết quả tốt.
Hội nghị đã nghe các đại biểu trình bày tham luận về cách làm hay, giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng thời gian qua.
Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp ủy từ TP đến cơ sở tiếp tục triển khai Chỉ thị 20. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương.Trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn.
Ngoài ra, các cấp ủy chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, cập nhật kết quả nghiên cứu mới. Cùng với đó, bổ sung những quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào các công trình nghiên cứu, các chuyên đề chuyên sâu...
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tặng bằng khen cho 26 tập thể, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20.