Đổi mới là mệnh lệnh của thời đại
Việt Nam đã thực hiện công cuộc Đổi mới kinh tế gần 40 năm, đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng giờ đây phải có một cuộc đổi mới lần nữa để kinh tế bứt phá lên tầm cao mới.
Xu thế buộc phải Đổi mới
Cho đến thời điểm này, thực tiễn nền kinh tế của chúng ta đang xuất hiện một số vấn đề, đòi hỏi tiếp tục thay đổi tư duy cũng như cách làm. Hiện tại, kinh tế Việt Nam phát triển khá ổn định, cho dù những biến động bên ngoài diễn biến phức tạp, nhưng xu thế buộc chúng ta phải đổi mới tư duy lẫn hiện thực đang rất mạnh mẽ.
Chúng ta đang sống trong môi trường hội nhập sâu rộng, nên chỉ cần đặt mô hình phát triển của Việt Nam bên cạnh các nền kinh tế thị trường hiện đại khác, sẽ thấy những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Thứ nhất, đó là yêu cầu tuân thủ quy luật thị trường của nền kinh tế thị trường hiện đại. Phân tích thị trường đất đai, thị trường lao động, có thể thấy chúng ta chưa làm được. Ngay ở quê tôi, nhiều người đã thoát ly, nhưng vẫn phải giữ tên để giữ suất ruộng, nên mới có chuyện người có ruộng để không, người cần thì không có. Nếu người nông dân có quyền chuyển nhượng mảnh ruộng của mình, sẽ giải được bài toán trên, vấn đề chỉ là khâu hành chính thủ tục sao cho thật tinh, gọn.
Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân sau bao nhiêu năm được thừa nhận, nhưng vẫn chỉ chiếm chưa đến 10% GDP. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang là một bài toán khó giải, khi mà nhiều năm qua quá trình cổ phần hóa theo kế hoạch Chính phủ đặt ra vẫn rất chậm chạp. Cần lưu ý rằng, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, tức chấp nhận cạnh tranh toàn cầu.
Do vậy nếu không xử lý triệt để các khúc mắc trong tư duy phát triển, sẽ rất khó tạo bứt phá về kinh tế. Đây là lúc tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải được làm rõ, không để định hướng xã hội chủ nghĩa làm sai lệch về quy luật thị trường trong lĩnh vực đất đai, làm sai lệch hay chậm trễ các nỗ lực cổ phần hóa DNNN.
Ở các nền kinh tế thị trường phát triển, sự phát triển của DN tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân là tất yếu. Bởi đã quá rõ ràng, DN tư nhân mới là nền tảng phát triển, chủ lực của nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn, đã được các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ dần thừa nhận, xem trọng. Chính phủ, Thủ tướng cũng rất quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng DN tư nhân vẫn “kêu ca” về những rào cản, thủ tục hành chính, quy định pháp luật... chồng chéo, chưa thuận lợi, thậm chí còn cản trở sự phát triển của họ.
Sẵn sàng cho công cuộc Đổi mới
Chúng ta đã có tư duy đúng về cải cách DNNN, cổ phần hóa DNNN, nhưng việc thực thi chậm, nên vẫn chưa thành công. Thậm chí, nếu tỷ lệ vốn nhà nước trong DN cao, thì không những không thể thay đổi quản trị của DN, mà còn là cái cớ để thúc đẩy tư duy kéo dài ưu ái với DNNN.
Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam đã tham gia thị trường thế giới một cách mạnh mẽ, mở cửa sâu rộng, đứng trước áp lực cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi Nhà nước đổi mới hơn nữa, DN đổi mới hơn nữa. Thực trạng trên cho thấy, với yêu cầu đổi mới như vậy, Nhà nước phải thay đổi trước. Và để Nhà nước làm trước, cần sự thay đổi tư duy trong Đảng, từ những người đứng đầu.
Tôi muốn nhắc đến bài học làm thí điểm với những giải pháp mới, tư duy mới. Khi quyết định thực hiện lãi suất dương, nhiều người phản ứng mạnh vì lo các phản ứng tiêu cực. Khi đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười rất thận trọng, cử đoàn cán bộ xuống Hải Phòng làm thí điểm.
Kết quả cho thấy, việc thực hiện các biện pháp trên không gây ra rối loạn kinh tế - xã hội như có ý kiến lo ngại, từ đó đề nghị áp dụng trên phạm vi cả nước. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị với những tư duy mới, đột phá, kể cả tư duy về kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội. Nhưng mấu chốt vẫn là phải dám thay đổi, dám làm vì sự phát triển thực sự của đất nước.
Nền kinh tế Việt Nam đã tham gia thị trường thế giới một cách mạnh mẽ, mở cửa sâu rộng, đứng trước áp lực cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi Nhà nước đổi mới hơn nữa, DN đổi mới hơn nữa. Thực trạng trên cho thấy, với yêu cầu đổi mới như vậy, Nhà nước phải thay đổi trước từ những người đứng đầu.
Chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, và thông điệp về tinh gọn bộ máy mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra vừa qua là một tín hiệu khả quan. Nó có thể xem là chỉ dấu cho thấy tư duy và tầm nhìn của những lãnh đạo cấp cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước đã có sự thay đổi và hệ thống chính trị, đã sẵn sàng cho công cuộc đổi mới được vận hành.
Do vậy để thực hiện chiến lược trên, cần có một chương trình đổi mới hệ thống chính trị theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực. Muốn vậy, Đảng cần ban hành những cơ chế cụ thể, chặt chẽ về sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp. Đồng thời, các cơ quan tư pháp nên thống nhất quản lý theo ngành dọc đều bảo đảm tính độc lập, không bị tác động cũng như chồng chéo của cấp chính quyền địa phương.
Với những đặc thù riêng và rút kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển trước, Việt Nam cần tổng kết những bài học cho riêng mình, và không thể đi theo con đường phát triển của các nước một cách máy móc.
Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình, phù hợp với thời đại và những điều kiện của Việt Nam. Thực hiện một chiến lược phát triển tổng thể, bằng việc hòa nhập với xu thế phát triển chung có tính tất yếu của thế giới và thời đại, tiếp thu cái mới và vận dụng sáng tạo vào tình hình, điều kiện cụ thể trong nước, cũng chính là cách để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình phát triển bền vững cho riêng mình.
PGS.TSKH Võ Đại Lược, là một trong những người nằm trong nhóm soạn thảo cho công cuộc đổi mới vào năm 1986. Năm 1984, ông được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam lo tổ chức hội thảo về các vấn đề lý luận và thực tế Việt Nam. Khi đó được giao báo cáo về Chính sách Kinh tế mới (NEP) của Lênin và ý nghĩa của nó, đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế Việt Nam.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doi-moi-la-menh-lenh-cua-thoi-dai-post119088.html