'Đôi điều cần suy ngẫm' - Quyển sách khai phóng cho chính khái niệm tự do
Cuốn 'Đôi điều cần suy ngẫm' của Jiddu Krishnamurti mang đến sự khai phóng đáng kinh ngạc cho những vấn đề cốt lõi nhất của con người, đặc biệt là sự tự do.
Gồm 27 chương, quyển sách là một tập hợp những bài nói chuyện với học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Ấn Độ của Jiddu Krishnamurti. Đây có thể xem như một cuốn cẩm nang “bỏ túi” chân phương, bao hàm những lời một người thầy, người cha, người bạn chuyện trò với học trò, con cháu, bạn bè thân hữu. Trong đó, triết gia, nhà tư tưởng hàng đầu thế kỷ 20 đã từng bước bóc tách các khái niệm từ trừu tượng (như văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị, truyền thống…) cho đến thân quen (tình yêu, nỗi buồn, sự cô đơn, cái chết).
Tuy nhiên, có một ánh đuốc dẫn đường cho mọi ý niệm của "Đôi điều cần suy ngẫm" - chính là sự tự do. Krishnamurti nhiều lần nhắc đến khái niệm tự do như chất liệu cốt lõi làm nên mọi ý nghĩa của cuộc sống.
“Chỉ đơn thuần được độc lập thì có nghĩa là tự do không?”, nhà tư tưởng đặt câu hỏi, “Nhiều người trong thế giới sống độc lập, nhưng rất ít người tự do. Sống tự do là sống thông tuệ, nhưng trí tuệ không thể hình thành chỉ bằng ước mong sống tự do; trí tuệ chỉ xuất hiện khi bạn bắt đầu thấu hiểu toàn bộ môi trường sống của mình, thấu hiểu mọi ảnh hưởng về xã hội, tôn giáo, gia đình và truyền thống đang liên tục bủa chặt vòng vây quanh bạn”.
Krishnamurti cho rằng tự do thật sự không nằm ở nỗ lực trở thành điều gì khác, không nằm ở việc làm bất cứ điều gì ta tình cờ cảm thấy thích, cũng như không nằm ở việc tuân thủ uy lực của truyền thống, của cha mẹ, của đạo sư, mà nằm ở hành động thấu hiểu bản thân mình đang là gì trong từng phút, từng giây.
Và chỉ khi đạt đến trạng thái tự do thật sự, mọi điều cốt lõi của đời sống mới được phủ trùm một làn gió mới. Chẳng hạn khi bàn về giáo dục, ông khẳng định: “Nuôi dưỡng sự tự do là chức năng thực sự của giáo dục. Bởi vì chỉ khi nào bạn trưởng thành trong tự do, bạn mới có thể tạo ra một thế giới mới không dựa trên truyền thống và bị định hình theo khí chất riêng của một triết gia hay một người theo chủ nghĩa lý tưởng nào đó”.
Từ đó, ông quan niệm con người sẽ không thể có giáo dục thật sự, chừng nào ta vẫn còn đơn thuần cố gắng trở thành người nào đó, hoặc bắt chước theo một tấm gương cao quý nào đó mà không thực sự là mình. Thế nên điều cần thiết không phải là triết lý hay niềm tin mà trí não phải được tự do để nghiên cứu, khám phá và sáng tạo.
Ngay cả tình yêu cũng phải luôn đi kèm với sự tự do, bởi tình yêu không phải là một loại phản ứng cho đi - nhận lại như trao đổi một món hàng hóa ngoài chợ. Chỉ khi yêu thương mà không đòi hỏi bất cứ điều gì đáp lại, thậm chí không cảm thấy bạn đã cho đi điều gì - tình yêu như vậy mới có thể biết đến tự do. Và những ai thấu hiểu và vượt thoát sự phụ thuộc nội tâm, nhờ đó biết được tình yêu là gì, thì mới có thể có tự do và chỉ những người đó mới tạo ra một nền văn minh mới, một thế giới khác.
Tư tưởng về tự do của Krishnamurti còn là mũi dùi sắc bén, không chút e dè, xoáy trực diện vào vô vàn yếu tố sai lầm trong thái độ và thể chế xã hội. Ông không ngần ngại chỉ ra những điều phi lý khi tôn sùng quá mức thần linh, niềm tin mù quáng dành cho các nghi lễ cúng bái, kinh kệ tụng niệm hay việc chạy theo bất kỳ lãnh tụ, nhà giáo lẫn đạo sư… nào.
Bởi theo ông, chỉ khi thực sự tự do và không sợ hãi, trí não của ta sẽ giống như kính cửa sổ được lau sạch bóng loáng. Và ta có thể nhìn thấy mọi vật một cách rõ ràng, phân biệt được cái gì là chân thực, phi thời gian, vĩnh hằng. Lúc đó, ngay cả cái chết tìm tới ta cũng không còn e dè hay sợ hãi.
Krishnamurti luôn trung thành với tuyên bố là một người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ. Vô vàn buổi nói chuyện của ông dành cho mọi thính giả, từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe và thường xoay quanh các chủ đề như mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu. Những triết lý sâu sắc vượt tầm thời đại của ông đã được tập hợp lại trong khoảng 400 quyển sách giá trị.
Và một lần nữa, "Đôi điều cần suy ngẫm" của Krishnamurti sẽ mang đến cho bạn những quan điểm giác ngộ gây kinh ngạc, vượt ra mọi khuôn khổ và tiệm cận được những bản chất cốt lõi nhất của con người.
Sau khi gấp sách lại, hi vọng mỗi người đều có thể tìm cho mình một điểm tựa tinh thần để sống tự do hơn, hạnh phúc hơn với một trái tim thực sự rộng mở, trí tuệ mẫn tiệp cùng thái độ luôn khao khát tự do, không sợ hãi, lo lắng bị áp đặt hay khuất phục trước bất kỳ thể chế chính trị, xã hội, tôn giáo, định kiến hay nhân vật nào./.