Đọc sách - Bồi đắp phẩm chất người lính trong thời đại mới

'Học tập là quá trình suốt đời' - lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là định hướng chiến lược cho việc xây dựng xã hội học tập, mà còn là hiệu triệu mạnh mẽ đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng.

Cán bộ, nhân viên, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam 21/4”. Ảnh: Chu Huyền

Cán bộ, nhân viên, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam 21/4”. Ảnh: Chu Huyền

Giữa dòng chảy mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và thông tin bùng nổ, việc đọc sách - tưởng chừng là một thói quen cũ kỹ lại trở thành một hành động thời sự, thiết yếu và cấp bách hơn bao giờ hết. Với người quân nhân, đọc sách không chỉ là tìm kiếm tri thức, mà còn là hành trình bồi đắp bản lĩnh, tu dưỡng phẩm chất và hoàn thiện nhân cách cách mạng.

Trong môi trường quân đội, nơi kỷ luật, học tập và rèn luyện được đặt lên hàng đầu, việc đọc sách không đơn thuần là nhu cầu văn hóa mà còn là phương pháp hữu hiệu để bồi dưỡng tư tưởng chính trị và phát triển nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ. Những trang sách về lịch sử dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng chính là hành trang tinh thần quý giá, giúp người lính hiểu rõ cội nguồn, giữ vững niềm tin, kiên định lý tưởng cách mạng và vững vàng trước mọi biến động thực tiễn.

Sách không chỉ mở ra thế giới bên ngoài, mà còn là tấm gương để soi rọi nội tâm. Qua từng câu chuyện, nhân vật, tình huống trong sách, người đọc có thể chiêm nghiệm chính cuộc sống của mình, nhận diện điểm mạnh, điểm yếu và từ đó không ngừng hoàn thiện bản thân. Đây là nền tảng của tinh thần tự học, tự rèn, tự đổi mới - những phẩm chất không thể thiếu của người quân nhân trong thời đại mới.

Thế giới số đưa con người đến gần hơn với công nghệ, nhưng cũng dễ khiến chúng ta xa rời chiều sâu tư duy và giá trị nhân văn. Trong bối cảnh đó, đọc sách chính là một “liều vaccine tinh thần” giúp người lính tránh khỏi sự xao động, lệch chuẩn trước những cám dỗ, thông tin tiêu cực trên không gian mạng. Những trang sách có chiều sâu không chỉ bồi dưỡng tâm hồn, mà còn khơi gợi lòng yêu thương, tinh thần tích cực, sự kiên cường và những giá trị cốt lõi làm nên bản lĩnh người lính cách mạng.

Đọc sách giúp ta biết yêu đời hơn, sống sâu sắc hơn và vững tin vào những điều tốt đẹp. Chính từ đó, mỗi người lính có thể sống và cống hiến xứng đáng hơn với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới.

Thói quen đọc sách ngày nay cần được thích ứng với xu thế công nghệ. Ngoài sách in truyền thống, việc tiếp cận sách qua các nền tảng số, thư viện điện tử, ứng dụng đọc sách thông minh giúp người đọc linh hoạt hơn về thời gian, không gian, thiết bị… Chính sự linh hoạt đó góp phần duy trì và mở rộng văn hóa đọc trong đời sống quân nhân.

Tuy nhiên, để việc đọc trở thành hành vi văn hóa thường xuyên và hiệu quả, cần có phương pháp và mục tiêu rõ ràng. Người đọc cần xác định cụ thể: đọc để làm gì? Để học tập chuyên môn? Nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng? Hay để tu dưỡng đạo đức, nhân cách? Việc xác định rõ mục tiêu đọc sẽ giúp người lính tiếp cận tri thức một cách chủ động, có định hướng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc ghi chép sau khi đọc, trao đổi cùng đồng đội, tham gia các tủ sách đơn vị, câu lạc bộ sách trong nhà trường và doanh trại… cũng là những hình thức sinh hoạt văn hóa thiết thực, góp phần lan tỏa tình yêu sách và xây dựng môi trường đọc tích cực trong tập thể.

Đọc sách là biểu hiện sinh động và cụ thể nhất của việc học tập suốt đời - một yêu cầu tất yếu đối với mỗi quân nhân trong thời đại công nghệ. Đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân, mà còn là sự cống hiến cho sự trưởng thành của tổ chức, của đơn vị và của cả Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc rằng: học không chỉ là ở trên giảng đường, trong giờ lên lớp, mà là học mọi lúc, mọi nơi - qua những trang sách, qua cuộc sống thường nhật và cả qua những thử thách khắc nghiệt được hun đúc trong môi trường quân đội.

Khi chúng ta lựa chọn dành thời gian cho sách, chính là lúc ta chọn cho mình một lối sống có chiều sâu, một phương pháp học tập tự giác, bền bỉ - điều không thể thiếu để xây dựng người quân nhân cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên” trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

(*) Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng

Thiếu tá QNCN Đặng Thị Thu Hường (*)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-sach-boi-dap-pham-chat-nguoi-linh-trong-thoi-dai-moi-a28859.html