Độc đáo thú chơi hoa thủy tiên vào dịp Tết cổ truyền

Nhắc tới những sắc hoa xuân, chúng ta không còn quá xa lạ với sắc hồng thắm của hoa đào ở miền Bắc, sắc vàng tươi của hoa mai tại miền Nam. Nhưng nếu trở về những năm tháng xưa, nhất là tại vùng Kẻ Chợ (tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa) thì còn có một hương sắc mang nét trắng tinh khôi, đó là những bông hoa thủy tiên, loại hoa được ví như đồng hồ báo hiệu thời khắc giao thừa. Quả thực, chỉ riêng cái tên

Nhắc tới những sắc hoa xuân, chúng ta không còn quá xa lạ với sắc hồng thắm của hoa đào ở miền Bắc, sắc vàng tươi của hoa mai tại miền Nam. Nhưng nếu trở về những năm tháng xưa, nhất là tại vùng Kẻ Chợ (tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa) thì còn có một hương sắc mang nét trắng tinh khôi, đó là những bông hoa thủy tiên, loại hoa được ví như đồng hồ báo hiệu thời khắc giao thừa. Quả thực, chỉ riêng cái tên "thủy tiên” - "nàng tiên nước" đã nói lên tất cả. Mỗi phần của cây như củ, rễ, lá, hoa đều mang đậm chất thanh cao quý phái. Những bông hoa cánh trắng, nhụy vàng bé nhỏ, xinh xắn với hương thơm dịu ngọt, lan tỏa khắp không gian được ví như "đĩa ngọc, chén vàng".

Bà Đỗ Thị Phú (TP Hòa Bình) chăm sóc hoa thủy tiên để trưng trong dịp Tết cổ truyền.

Bà Đỗ Thị Phú (TP Hòa Bình) chăm sóc hoa thủy tiên để trưng trong dịp Tết cổ truyền.

Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân, đặc biệt phải kể đến người dân Kẻ Chợ lại mách nhau đi tìm mua củ thủy tiên để gọt tỉa và coi đó như thú chơi tao nhã của những gia đình có điều kiện thời đó. Sở hữu được củ thủy tiên tốt là một chuyện nhưng để "chơi” hoa thủy tiên mới cầu kỳ và công phu. Ngay từ tháng 11 âm lịch, người chơi hoa đã lo lựa chọn những củ thủy tiên lớn có thế đẹp mắt, gọt tỉa, ngâm trong bát, chậu hay ly nước sạch rồi chuốt xén để hoa lá xanh tươi có được hình dáng như ý muốn. Người sành chơi phải biết cách chăm bẵm kỹ lưỡng, thay nước sạch thường xuyên, hàng ngày lau rửa củ, lá và rễ, tránh những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, thúc và hãm làm sao cho hoa có thể nở đúng vào thời khắc quan trọng nhất (thường là quanh giờ Giao thừa cho tới sáng mùng 1 Tết).

Trong đời sống ngày nay, thủy tiên có phần gần gũi hơn với mọi người, một phần vì giá thành phải chăng, một phần vì thủy tiên không còn gói gọn mình trong mảnh đất Hà Nội, mà đã theo chân những người con Thủ đô tản đi khắp các tỉnh, thành phố. Bà Đỗ Thị Phú là người gốc Hà Nội, sinh sống và làm việc tại TP Hòa Bình từ năm 1970. Hàng năm cứ đầu tháng Chạp, bà lại tìm mua vài củ thủy tiên Chương Châu để trưng trong ngày Tết.

Theo bà Phú, quan trọng nhất khi tỉa thủy tiên là không được phạm vào bao hoa, khiến hoa không nở được. Loại thủy tiên được ưa dùng là củ hoa đơn (hoa có 1 tầng cánh). Lý giải cho điều này, bà Phú cho biết: "Các cụ ngày xưa, nhất là vào dịp đầu Xuân năm mới luôn mong mọi thứ phải "vươn lên”, phải bằng 5 bằng 10 năm cũ, mà củ thủy tiên cho ra hoa kép lại cúi đầu xuống, không ngẩng cao lên như hoa đơn, các cụ cho rằng như thế là không trọn vẹn. Về hương thơm, hoa đơn có hương thơm thoang thoảng, hòa với hương trầm cùng không khí của Tết, mang lại cho mọi người cảm giác thư thái, dễ chịu, trái ngược với hoa kép cũng mang hương thơm nhưng có phần nặng nề hơn, "gắt gỏng” hơn, không phù hợp với tính cách người Việt Nam là ưa chuộng sự nhẹ nhàng, thanh mát”.

Cũng vì là thú chơi thanh cao nên các bước tỉa thủy tiên cũng được gọi bằng những cái tên mỹ miều như xén lá, phá ngọc (dùng dụng cụ tỉa xén 2/3 cạnh lá để lá mọc xoắn và cắt bỏ một phần mầm sinh trưởng của lá để lá không mọc quá cao). Những năm gần đây, thú chơi này dần được người dân Hòa Bình biết đến và đưa thủy tiên vào làm một thứ hoa chơi trong ngày Tết. Các cửa hàng cây giống trên địa bàn TP Hòa Bình đã xuất hiện nhiều mặt hàng này. Vào những ngày cận Tết, chị Mai Thị Hảo, chủ cửa hàng cây giống Mai Hảo nhập về số lượng lớn củ hoa thủy tiên, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Cuối năm 2024, chị Hảo đã nhập 3 đợt củ hoa thủy tiên, chị cho biết vẫn thiếu vì có khách hàng đặt thêm.

Thú chơi hoa thủy tiên có mặt tại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học như "Tết Việt Nam xưa” của học giả Nguyễn Tiến Lãng, hay trong bút ký "Tờ hoa” của nhà văn Nguyễn Tuân, ông viết: "Cách đây khoảng nửa thế kỷ tôi còn được thấy các cụ ta đo thời giờ bằng hoa. Hồi ấy, thời gian quả là có mùi. Củ thủy tiên ấy gọt vào hôm nào tháng Chạp, hãm nắng phơi sương áp đèn như thế nào thì nó sẽ mãn khai đúng lúc giao thừa. Như kim giờ kim phút báo đúng năm hết, hoa nở rộ cả bấy nhiêu giò để chào năm mới đang chờ ở he hé cửa đình. Đình Bạch Mã năm nào cũng tất niên bằng cuộc thi thủy tiên, hoa của ai nở đúng giao thừa thì người ấy lĩnh thưởng mười vuông vóc hồng, năm cối pháo, một thạp chè bao thiếc...”.

Có thể nói, nhờ ý nghĩa tốt đẹp vốn có gắn liền với Tết cùng đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thú chơi hoa thủy tiên vẫn có sức sống bền bỉ, dần phổ biến và đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.

La Hưng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/197595/doc-dao-thu-choi-hoa-thuy-tien-vao-dip-tet-co-truyen.htm