Độc đáo kiến trúc xây dựng bằng đá ong
Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà, giếng nước, tường rào được xây bằng đá ong từ cách đây hàng trăm năm.
Vật liệu xây dựng cổ xưa
Đá ong là loại đá tự nhiên có cấu trúc xốp, nhiều lỗ rỗng, màu đỏ nâu đặc trưng. Ngày trước, đá ong là vật liệu chủ yếu dùng để xây tường nhà. Những viên đá ong được đẽo gọt phẳng, ghép nối bằng vữa, tạo nên các mảng tường chắc chắn, giàu tính thẩm mỹ. Kỹ thuật giấu mạch thường được áp dụng để tạo cảm giác như các viên đá được xếp chồng lên nhau tự nhiên mà không dùng vữa. Những ngôi nhà có tường vách xây bằng đá ong mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Trên thế giới, đá ong từng là vật liệu xây dựng quan trọng trong một số công trình thời cận đại như cầu Kompong Kdei (Camphuchia), xây dựng vào thế kỷ XII dưới thời vua Jayavarman VII), có kết cấu vòm từ những tảng đá ong lớn. Dù không sử dụng chất kết dính, cây cầu hơn ngàn năm tuổi vẫn sừng sững với thời gian.

Ngôi nhà đá ong của ông Nguyễn Ngọc Thanh, ở xã Vạn Tường.
Ở một số vùng nông thôn Việt Nam, cách nay không lâu, đá ong còn được dùng để lát sân, xây kè bao quanh vườn, xây mộ, kè giếng nước. Giếng đá ong có khả năng lọc phèn, làm cho nước mát và trong hơn. Tại xứ Đoài (Hà Nội) hiện vẫn còn nhiều công trình xây dựng bằng đá ong có niên đại cách chúng ta hàng thế kỷ như đình Thụy Phiêu, đình Cam Đà, chùa Mía, đình Mông Phụ... Đặc biệt, làng cổ Đường Lâm - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vẫn giữ gần như nguyên vẹn dáng vẻ của một ngôi làng đá ong.
Tại Quảng Ngãi, đá ong chủ yếu phân bố ở vùng ven biển như các xã Vạn Tường, Đông Sơn. Một thời, đá ong ở đây từng được khai thác và cung cấp cho khắp các tỉnh. Dấu vết đá ong trong xây dựng cổ nhất còn lại ở Quảng Ngãi được biết cho đến hiện nay là những khối đá làm nền móng tìm thấy trong cuộc khai quật tháp Chăm ở núi Thiên Bút (niên đại thế kỷ XI - XII), do Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi tiến hành tháng 2/2017. Người ta cũng tìm thấy đá ong sử dụng trong xây dựng đình Thọ An (xã Bình Minh), đình An Định (xã Phước Giang), đình Thọ Lộc (xã Sơn Tịnh), đình Lạc Phố, Văn Miếu Mộ Đức (xã Long Phụng)...
Những ngôi nhà độc đáo
Ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (nay là xã Vạn Tường) hiện còn hàng chục ngôi nhà, giếng nước, tường rào được xây bằng đá ong từ hàng trăm năm trước. Nơi đây như một “bảo tàng đá ong” sống động, giàu tính thẩm mỹ. Ông Đặng Tấn Thượng (60 tuổi), ở xã Vạn Tường có ngôi nhà 2 gian, tường bằng đá ong, diện tích hơn 50m2. Nhà có hệ thống cột kèo làm bằng gỗ, mái lợp ngói, rất kiên cố. Ông Thượng cho biết, trước đây, phần lớn người dân trong làng dùng đá ong để xây dựng nhà, giếng nước, phần mộ những người đã khuất. Đá ong được những người thợ chuyên nghiệp khai thác ở các vùng gò, đồi núi xung quanh. Khi xây dựng bằng vật liệu đá ong, người thợ xây phải đặt từng viên đá chồng lên nhau và gắn lại bằng một hợp chất kết dính chế biến từ cây lưỡi long trơn (thuộc họ xương rồng), dây tơ hồng, đá vôi nung, cát hạt to, mật mía.

Cổng Văn miếu Đức Chánh làm bằng đá ong, ở xã Long Phụng.
Đến thăm ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Thanh, ở xã Vạn Tường, nhiều người không khỏi thích thú khi tận mắt nhìn thấy ngôi nhà với nét đẹp vừa cổ kính, vừa dân dã, thân quen. Ngôi nhà mát rượi với bốn vách tường bằng đá ong, kết hợp với những khung cửa bằng gỗ mít. Khu vườn nhà ông Thanh khá vuông vức, rộng chừng 600m2, ba phía tây, nam, bắc có tường xây bằng đá ong mà thời gian đã phủ lên thêm một lớp rêu xanh. Một góc tường phía bắc có những bậc cấp lát đá ong dẫn từ đường thôn lên sân nhà. Phía đông (hướng mặt tiền), không xây tường để dễ dàng qua lại nhà láng giềng và đón gió nồm từ biển thổi về.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, ở xã Vạn Tường cũng có ngôi nhà khá đẹp, kết cấu khung gỗ cột kèo chịu lực kết hợp tường đá ong như nhà ông Nguyễn Ngọc Thanh. Ngoài ra, kè quanh sân, nền ụ rơm, giếng nước, chuồng nuôi gia súc cũng sử dụng đá ong. Bà Hoàng cho biết, ngôi nhà này được ông nội của bà xây dựng cách nay gần một thế kỷ.
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở thôn Vạn Tường là nơi đây còn giữ lại khá nguyên vẹn khung cảnh của một làng quê ven biển, người dân mưu sinh bằng nghề nông và đi biển, nhà vườn thoáng đãng, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Giữ gìn các công trình xây dựng bằng đá ong ở Vạn Tường, Đông Sơn là góp phần bảo lưu di sản văn hóa. Đây cũng là di sản có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng vùng ven biển. Ngành du lịch của tỉnh cùng với chính quyền địa phương các xã cần điều tra, chú trọng khai thác kết hợp các giá trị của nhà ở, giếng nước đá ong, phong cảnh vùng ven biển, các di tích lịch sử văn hóa và lối sống hiền hòa, hiếu khách của người dân để từng bước biến nơi đây thành một điểm du lịch cộng đồng có sức thu hút du khách.
Bài, ảnh: Lê HỒNG KHÁNH
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doc-dao-kien-truc-xay-dung-bang-da-ong-55008.htm