Độc đáo diễn tấu trống Sa-dăm của đồng bào Khmer
Nghệ thuật diễn tấu trống Sa-dăm của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi - An Giang vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa trống Sa-dăm loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, An Giang.
Múa trống Sa-dăm (Chhay-dăm) là bài múa thể hiện tinh thần vui nhộn, hóm hỉnh thường được các thanh niên Khmer yêu thích và biểu diễn trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer.
Để thể hiện những vũ điệu Chhay dăm thú vị, người Khmer thường dùng trống và chiêng để làm nhạc cụ đệm và đạo cụ múa. Một màn biểu diễn múa trống Sa dăm thường sử dụng từ 4 - 6 trống, 2 cái cuôl cùng chul và gõ sênh.
Người biểu diễn phải có sức khỏe và sự dẻo dai, biết cách kết hợp khéo léo giữa hình thể và âm thanh. Đặc biệt là phải đeo mặt nạ gắn những chi tiết ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc và lạ mắt.

Buổi diễn tấu trống Sa-dăm tại chùa Snay Đon Kum Chhăk (chùa B52) xã Ô Lâm, tỉnh An Giang có rất đông các em thiếu nhi và du khách thưởng thức.
Khi bắt đầu diễn, tiếng trống và cồng đồng loạt vang lên dồn dập, liên hồi và rất nhịp nhàng, khiến mọi người không thể ngừng nhún nhảy.
Sư Chau Hươne, sãi cả chùa Snay Đon Kum Chhăk chia sẻ: “Muốn chơi được trống Chhay-dăm thì phải có sự đam mê. Trước tiên, phải nắm được kỹ thuật đánh trống cho đúng nhịp. Tiết tấu trong bài biểu diễn khi nhanh, khi chậm nên nhịp trống cũng thay đổi liên tục. Khi đã nắm vững nhịp trống, mới học biểu diễn hình thể kết hợp tiếng trống để nói lên nội dung bài múa”.

Các thanh, thiếu niên Khmer say sưa với điệu múa trống Sa-dăm.
Nhằm bảo tồn và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này các tại vùng Bảy Núi An Giang thường tổ chức diễn tấu trống Sa-dăm thu hút rất đông bà con người Khmer đến thưởng thức.
Ngoài ra, diễn tấu múa trống Chhay-dăm còn có thể kết hợp điêu luyện với màn biểu diễn của những chú khỉ Hanuman với các động tác vui nhộn khiến người xem thêm phần thích thú, cảm thấy hào hứng và sảng khoái tinh thần.
Hiện nay, riêng trên địa bàn xã Ô Lâm (tỉnh An Giang) có 4 chùa Khmer là chùa Kom Phlưng, chùa Sre Bâng, chùa Tro Păng Trao và chùa Snay Đon Kum Chhăk thành lập và duy trì hoạt động 4 đội biểu diễn nghệ thuật múa trống Sa-dăm vừa để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa lành mạnh của đồng bào Khmer trong vùng vào các dịp lễ hội vừa để bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Những chú khỉ Hanuman với các động tác vui nhộn khiến người xem thích thú.
Nghệ thuật diễn tấu trống Sa-dăm của người Khmer vùng Bảy Núi An Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1350 ngày 14/5/2025.
Múa trống Chhay-dăm không chỉ là một loại hình nghệ thuật trình diễn mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Khmer, mang đậm bản sắc dân tộc và góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam.