Doanh nghiệp Vĩnh Phúc tham gia chuỗi sản xuất ô tô - xe máy

Trước làn sóng đầu tư vào tỉnh tăng mạnh, Vĩnh Phúc thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài có quy mô lớn, nhất là các DN chế biến, chế tạo. Đây chính là cơ hội cho các DN trong nước tham gia chuỗi sản xuất ô tô - xe máy, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy tại công ty TNHH Côngnghệ Cosmos (KCN Khai Quang). Ảnh: Thế Hùng

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc có 16 DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành xe máy, điện tử, ô tô… cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng cấp 1, xếp thứ 4 toàn quốc.

Ngoài ra, tỉnh có kết nối giao thông tương đối tốt với các địa phương khác trong vùng kinh tế Bắc Bộ. Đây được xem là nền tảng tốt để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ đặc biệt trong lĩnh vực ô tô - xe máy trong thời gian tới.

Là DN chuyên thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, gia công cơ khí chính xác, sau gần 2 năm đi vào hoạt động (tháng 2/2005), Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang - Vĩnh Yên) đã trở thành nhà cung cấp uy tín về linh kiện cho Honda Việt Nam (tháng 3/2007); tháng 4/2017, công ty tiếp tục trở thành nhà cung ứng cấp 1 về linh kiện dập cho Công ty ô tô Toyota Việt Nam khẳng định uy tín chất lượng sản phẩm của DN trên thị trường.

Hiện nay, công ty có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ, thu hút hơn 1.700 công nhân. Doanh thu giai đoạn 2016-2019, trung bình đạt 900 tỷ đồng/năm.

Nắm bắt nhu cầu nội địa hóa phụ tùng của các DN FDI, công ty đã chủ động hiện đại hóa quy trình sản xuất; đào tạo người lao động có tay nghề cao; mạnh dạn đầu tư trang thiết bị tiên tiến nhất nhằm chủ động trong quá trình sản xuất cũng như khắc phục sự cố một cách nhanh nhất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm cũng như các đơn hàng có số lượng lớn; cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, IATF 16949:2016 và ISO1 4001:2015.

Hiện, công ty là đối tác tin cậy của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy như Honda Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Goshi Thang Long Việt Nam, Nissin Brake Việt Nam, Toyota Việt Nam.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều DN DDI tham gia chuỗi cung ứng sản xuất ô tô - xe máy cho các DN FDI như Công ty TNHH công nghệ Thành Thắng (KCN Bình Xuyên) sản xuất các chi tiết kim loại cho ghế xe và thùng chứa nhiên liệu cho Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội và là nhà cung ứng lớp 1 của Công ty ô tô Toyota Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thiện Mỹ Vĩnh Phúc (KCN Khai Quang - Vĩnh Yên) đầu tư 3 dây chuyền mạ hiện đại, trở thành đối tác lâu dài của nhiều khách hàng lớn như Toyota, Honda, Yamaha, Piaggio, Denso.

Mặc dù số lượng DN DDI của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng cấp 1 cho các DN FDI đứng thứ 4 toàn quốc nhưng quy mô nhỏ so với các địa phương khác, chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN FDI ngay tại địa bàn tỉnh.

Các DN DDI tập trung cung ứng chủ yếu ở lĩnh vực cơ khí, một số công đoạn gia công, thậm chí nhiều công đoạn quan trọng được các DN FDI đánh giá là không tìm được nhà cung ứng hoặc tìm được nhà cung ứng nhưng không phù hợp.

Để giúp các DN tham gia chuỗi sản xuất ô tô - xe máy, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như cuối năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3663 về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 có trên 50 DN sản xuất linh kiện phụ tùng trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các DN, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu.

Có 10 DN trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu; liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến DN trong và ngoài nước.

Đề án "Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025" đưa ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 5 ngành tiềm năng như công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; công nghiệp cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản.

Cùng với đó, tỉnh giao cho các sở, ngành triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp tại một số địa phương đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị như ô tô, xe máy.

Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên; nâng cao năng lực DN DDI theo mỗi nhóm DN đáp ứng yêu cầu của khách hàng FDI để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; quảng bá các DN DDI có năng lực tham gia chuỗi, giới thiệu về các sản phẩm công nghiệp chế tạo tiêu biểu của tỉnh.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96899//doanh-nghiep-vinh-phuc-tham-gia-chuoi-san-xuat-o-to---xe-may