Doanh nghiệp Việt còn 'lép vế' trên sàn thương mại điện tử nước ngoài?

Xuất khẩu hàng hóa qua các nền tảng thương mại điện tử được coi là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Song, hoạt động này còn không ít khó khăn đối với doanh nghiệp.

Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử ngoại

Là một trong những kênh thương mại bán lẻ lớn của thế giới, thống kê từ sàn thương mại điện tử Alibaba.com cho thấy, số lượng trung bình nhà mua hàng các sản phẩm Việt Nam hàng ngày trên nền tảng này đã tăng khá cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, có khoảng 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang “có hạng sao cao” trên sàn, thể hiện xu hướng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đầu tư vào thương mại điện tử theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam, chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều ưu điểm khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Alibaba. Theo đó, đầu tiên là ưu điểm về giá cả, giá cả của doanh nghiệp khá cạnh tranh.

Thứ hai là về sản phẩm và mẫu mã, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những xu hướng mới vào trong thiết kế và tạo ra những sản phẩm đa dạng, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra về chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam ngày nay đã tập trung vào việc cải thiện, cải tiến chất lượng vậy nên chất lượng sản phẩm của Việt Nam không hề kém cạnh so với những nhà cung cấp khác đã tồn tại ở trên sàn thương mại điện tử 23 năm qua.

“Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn có một lợi thế nữa, đó là những lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta ký với các quốc gia như Anh, châu Âu, Mỹ hay Đông Nam Á. Việt Nam có lợi thế về thuế xuất nhập khẩu thấp hoặc đạt đến mức bằng 0 đối với những quốc gia như Anh và EU. Vậy nên, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với nhà cung cấp, doanh nghiệp ở các quốc gia khác như là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên nói.

Trước đây chúng tôi thường tham gia những cuộc hỗ trợ, những cuộc triển lãm ở nước ngoài, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí thì bây giờ thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp và sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của chúng tôi đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina)

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối diện với không ít khó khăn khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, khó khăn thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ. Trên nền tảng Alibaba.com đang hỗ trợ 18 ngôn ngữ, giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng giao tiếp với các khách hàng quốc tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với những giao tiếp ngoài nền tảng thì thực tế doanh nghiệp vẫn chia sẻ rằng họ gặp rất nhiều trở ngại trong việc thương thuyết với khách hàng. Đó là một điểm hạn chế thứ nhất.

Điểm hạn chế thứ hai, doanh nghiệp còn thiếu những kỹ năng về marketing, sử dụng các công cụ tiếp thị trên sàn dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng những công cụ kỹ thuật số mà chúng tôi cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

Một điểm nữa là hạn chế về logistics khiến đôi khi sản phẩm không bảo đảm về thời gian và tiến độ giao hàng, dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng. Đây là những lý do khiến xuất khẩu hàng Việt qua kênh Alibaba chưa cao như kỳ vọng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina) cho biết, quyết định kinh doanh trên sàn Alibaba.com từ tháng 9/2015 cho đến nay, Indochina nhận thấy, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử là phương thức hiệu quả trong những năm gần đây.

“Trước đây thì chúng tôi thường tham gia những cuộc hỗ trợ, những cuộc triển lãm ở nước ngoài, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí thì bây giờ thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp và sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của chúng tôi đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới”, bà Hoàng Thị Thanh Tâm nói.

Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, khi đưa sản phẩm ra thế giới, Indochina gặp khó khăn về niềm tin với khách hàng; thanh toán và bảo mật thông tin; logistics và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những vấn đề khác như: lệch múi giờ, ngôn ngữ, thị hiếu khách hàng… cũng là trở ngại đối với doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhờ thương mại điện tử

Với nguồn hàng dồi dào, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Với nguồn hàng dồi dào, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử là giải pháp vô cùng quan trọng để thúc đẩy giao thương cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Do đó, các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những ưu thế này.

Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp sàn thương mại điện tử Alibaba.com, xây dựng và phát triển “Gian hàng quốc gia Việt Nam” - Vietnam Pavilion trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Mục đích là để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tới khách hàng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp sàn thương mại điện tử Alibaba.com, xây dựng và phát triển “Gian hàng quốc gia Việt Nam” - Vietnam Pavilion trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Mục đích là để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tới khách hàng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại

Sàn thương mại điện tử này nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì có hơn 260 triệu người dùng, 47 triệu nhà mua hàng, doanh nghiệp trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là lý do Cục Xúc tiến thương mại quyết định hợp tác với sàn này.

Theo kế hoạch, “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com sẽ tập hợp 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia. Cục Xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử Alibaba.com chuẩn bị tuyển chọn 100 doanh nghiệp tiêu biểu để hiện diện tại Gian hàng quốc gia Việt Nam vào tháng 12/2023.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hoàn thiện những nền tảng số tương ứng đối với những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để có thể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và những hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả trên môi trường số.

Ngoài ra, đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tìm kiếm những sàn thương mại điện tử lớn hơn, phù hợp hơn, cũng như có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với những doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên khuyến cáo thêm, các doanh nghiệp cần trang bị thêm kiến thức để hiểu rõ về thị trường, mục tiêu và đối tượng khách hàng; marketing và sử dụng những công cụ marketing; sử dụng các công cụ bảo mật thông tin khách hàng… để kinh doanh hiệu quả hơn trên sàn thương mại điện tử.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-viet-con-lep-ve-tren-san-thuong-mai-dien-tu-nuoc-ngoai-post778564.html