Doanh nghiệp vẫn kêu bị... hành

Sáng 18-9, Ban Pháp chế HĐND TPHCM và đích thân Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đã gặp gỡ một số doanh nghiệp để ghi nhận phản ánh về những bức xúc đối với thủ tục hành chính liên quan trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh

Buổi gặp gỡ này cũng nằm trong đợt giám sát về cải cách hành chính tại các cơ quan công quyền, do Ban Pháp chế HĐND TP thực hiện gần một tháng qua. Tự nguyện sửa sai cũng... không xong! Ông Dương Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn, kể lại câu chuyện mà doanh nghiệp (DN) ông bế tắc 2 năm nay chưa có lối thoát. Đó là khi DN của ông chuyển từ loại hình công ty TNHH sang công ty cổ phần. “Trong khi làm thủ tục chuyển đổi loại hình, không rõ do khâu làm hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư hay do nhân viên công ty sai sót mà trong giấy đăng ký kinh doanh lại ghi nhầm cổ đông chiến lược thành cổ đông sáng lập nên ảnh hưởng đến việc phát hành cổ phiếu...”- ông Thái nói. Sau đó, công ty có đơn xin Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh lại sai sót nhưng không được. Tiếp đó, công ty làm đơn nhận lỗi về mình và xin cho điều chỉnh. Song đến nay, câu trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn là: Không! Từ sự việc này, ông Thái nhận định: “Theo tôi, vấn đề ở đây không phải là thủ tục mà do tư duy của lãnh đạo đơn vị và thái độ phục vụ”. Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: T.THẠNH Câu chuyện thứ hai mà ông Thái phản ánh là việc xin phép vẽ logo trên ô tô của công ty. Khác với “phần kết” của câu chuyện đầu tiên, trả lời của cơ quan công quyền ở câu chuyện thứ hai là “chờ” chứ không phải là “không”! Ông Thái cho biết ô tô đứng tên công ty nhưng khi vẽ mẩu nhỏ logo của công ty lên xe cũng phải xin giấy phép Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Mới đây, khi công ty xin giấy phép mới (sau một năm hết hạn) thì đơn vị cấp phép trả lời đang chờ quy định mới nên không cấp tiếp. “Hậu quả là 3 - 4 tháng nay, ô tô của công ty bị công an phạt thường xuyên vì lưu hành mà không có giấy phép quảng cáo”- ông Thái lắc đầu. Cũng liên quan đến “cửa” của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Hạt, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp của Công ty TNHH một thành viên Vissan, than phiền về thủ tục xin cấp giấy đăng ký kinh doanh mỗi khi đơn vị mở chi nhánh mới. Ông Hạt phản ánh: “Mỗi khi công ty mở thêm đại lý là mỗi lần thay giấy đăng ký kinh doanh và thu hồi giấy cũ. Lần mở thêm đại lý mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại đòi thêm bản sao đăng ký mã số thuế để làm giấy đăng ký kinh doanh. Thời gian hẹn cũng kéo dài hơn”. Từ câu chuyện này, ông Hạt than phiền: Không thấy cải cách hành chính đâu, chỉ thấy thủ tục ngày càng nhiều hơn, thời gian chờ lâu hơn, làm DN phiền hà hơn! Ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư, các DN cũng phản ánh thủ tục ở các cơ quan thuế và hải quan còn nhiều phiền hà, rối rắm. Chia sẻ khó khăn của DN khi làm thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo thông tin: “Mới đây, qua một tờ báo, tôi được biết trung bình một năm DN mất 1.050 giờ để làm thủ tục đóng thuế, trong khi ở Singapore chỉ mất 87 giờ. Đây là điều để các cơ quan công quyền suy ngẫm!”. Loạn cúp, giải thưởng Buổi gặp gỡ còn nhận được nhiều ý kiến phản ánh của DN xung quanh việc tổ chức trao giải thưởng. Nếu như trước kia việc tổ chức các giải thưởng để tôn vinh các DN, doanh nhân tiêu biểu chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì hiện nay con số này đã nhảy lên vài chục. Điều này khiến không ít DN, doanh nhân nghi ngờ về chất lượng giải thưởng. Ông Đặng Đức Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ngôi nhà Mơ ước, cho biết: “Hiện nay loạn giải thưởng, cúp vàng. Từ bộ đến ngành nơi nào cũng có thể đứng ra tổ chức và trao giải. Giải nào cũng có cả trăm DN được nhận. Điều này khiến những DN thực sự tiêu biểu không cảm thấy được tôn trọng”. Ông Thành góp ý hằng năm nên có khoảng 4 giải thưởng cho doanh nhân là đủ và mỗi giải trao cúp cho vài chục DN, doanh nhân là vừa, đơn cử những giải thưởng uy tín như giải Cúp Thánh Gióng, Sao Vàng Đất Việt, Cúp Doanh nhân tiêu biểu TP. Ngoài những giải thưởng lớn tôn vinh DN do các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức, những giải thưởng khác nên tổ chức theo từng loại ngành nghề. Ông Thành cũng nêu lên thực trạng hiện nay các đơn vị tổ chức đều giao khoán cho một đơn vị truyền thông để tìm nhà tài trợ và cũng chính DN được tôn vinh lại “hưởng ứng” nên “đen trắng lẫn lộn”. Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, Tổng Giám đốc Công ty Thiết kế Xây dựng Cát Mộc, thẳng thắn: “Hiện nay, các DN mua cúp chứ không phải được trao cúp!”. Ông Truyền kể lại việc ông cùng nhiều DN ở quận 10 sinh hoạt cùng CLB Doanh nhân gần đây thường xuyên nhận nhiều cú điện thoại từ những người xưng công tác ở bộ này, ngành kia để mời tham gia giải thưởng. “Câu nói kèm theo của các vị này thường là tụi em sẽ cho người đến gặp anh, chị để viết bài đăng trên tạp chí và giá mỗi tấm hình đăng về DN thường là 10 triệu hay 20 triệu đồng”- ông Truyền ngán ngẩm. Kết thúc buổi gặp gỡ, bà Phạm Phương Thảo nhận định thủ tục hành chính rườm rà không chỉ từ phía Trung ương mà còn do sở, ngành TP định ra. Dù một số cơ quan hành chính có cải tiến về thủ tục, quy trình làm việc nhưng nhìn chung DN vẫn còn than phiền. Ngoài ra, thái độ phục vụ của cán bộ ở các cơ quan này cũng chưa đúng mực nên DN vẫn còn cảm thấy phải “đi xin hơn là được phục vụ”. Công khai quy hoạch để giảm phiền phức khi xin cấp phép xây dựng So sánh quy trình cấp biển số xe 2 bánh của ngành công an với việc cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho rằng so với trước, ngành công an có bước cải tiến rõ rệt vì chỉ cần vài phút là người dân có biển số xe ngay mà còn được chủ động bấm số ngẫu nhiên, trong khi việc xin cấp phép xây dựng vẫn còn nhiêu khê. Để tránh phiền hà khi xin giấy phép xây dựng, TP nên công khai minh bạch vấn đề quy hoạch như lộ giới, khoảng lùi, chiều cao xây dựng... cho từng khu vực. Như vậy, người dân nắm rõ để chiếu vào đó mà thực hiện và cán bộ thụ lý hồ sơ cũng đỡ ngồi... nghiên cứu, kiểm tra. Nếu có quy định rồi thì cũng không có chuyện hồ sơ nộp lên cứ bị cán bộ trả về bổ sung, thêm thắt.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2009091901180355p0c1014/doanh-nghiep-van-keu-bi-hanh.htm