Doanh nghiệp nào được giảm 15% tiền thuê đất?Doanh nghiệp nào được giảm 15% tiền thuê đất?
Giới phân tích và các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cho rằng để được giảm 15% tiền thuê đất theo Quyết định 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xem ra không dễ và đáng chú ý là đa số họ không nằm trong diện được hỗ trợ này.
Khi biết thông tin có Quyết định 22 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 được ký ban hành vào ngày 10-8 vừa qua, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình... đặt kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ này.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu Quyết định chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất trực tiếp của Nhà nước và phải ngừng sản suất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà nữa.
Theo các doanh nghiệp, quy định nhận được hỗ trợ như trên chỉ gói trong một nhóm đối tượng mà không mở rộng cho những đơn vị sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Quyết định 22/2020/QĐ-TTg, để được giảm tiền thuê đất, doanh nghiệp, người dân nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2020 (giấy đề nghị giảm tiền thuê đất, bản sao quyết định cho thuê hoặc hợp đồng thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) tới cơ quan thuế, Ban Quản lý khu kinh tế hoặc khu công nghệ cao... đến hết 31-12-2020.
Sau 20 ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định số tiền được giảm và ra quyết định giảm tiền thuê đất.
Một doanh nghiệp có nhà máy tại một khu công nghiệp ở TPHCM, đang gặp khó khăn đơn hàng xuất khẩu do Covid-19, cho biết đất xây nhà xưởng của doanh nghiệp ông là thuê lại của công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp nên xem như công ty ông không thuộc đối tượng được thụ hưởng theo quyết định 22.
Trường hợp này tương tự như hầu hết các doanh nghiệp đang sản xuất trong các khu công nghiệp khác trên cả nước vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Bởi lẽ tất cả họ đều là nhà đầu tư thứ cấp, tức thuê đất lại của các công ty phát triển hạ tầng để xây nhà xưởng nên xem như là nằm ngoài đối tượng được thụ hưởng theo quy định.
Tuy nhiên, ngay cả những công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất... cũng chưa chắc được nằm ở diện được thụ hưởng này.
Đơn cử như tại TPHCM, đa số các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập khá lâu và những công ty phát triển hạ tầng của các khu công nghiệp và khu chế xuất này đã trả tiền thuê đất nhà nước một lần chứ không trả theo từng năm như quy định trong quyết định nói trên.
Mặc dù vậy cũng có những khu công nghiệp được thành lập trong những năm gần đây với quy định trả tiền thuê đất theo từng năm, nhưng những công ty phát triển hạ tầng của những khu công nghiệp này cũng khó có thể nhận được sự hỗ trợ này.
Bởi lẽ những công ty phát triển hạ tầng này cơ bản chỉ kinh doanh dịch vụ không có hoạt động sản xuất. Trong khi đó, phần diện tích đất kinh doanh hiện chưa có nhà đầu tư thì không thể đưa vào diện bị "ngưng kinh doanh" do ảnh hưởng của Covid-19.
Cũng có những trường hợp đầu tư nhà xưởng sản xuất trong khu công nghệ cao hay khu kinh tế... thì sẽ thuê đất trực tiếp của Nhà nước vì hầu hết các khu này do nhà nước đầu tư hạ tầng và quản lý.
Đơn cử như tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê đất trực tiếp của Nhà nước để xây dựng nhà xưởng. Thế nhưng, theo các doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP, quy định doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới được hỗ trợ là khó.
Bởi lẽ khó khăn do đại dịch là đã rõ nhưng hầu hết doanh nghiệp đều phải cố gắng xoay xở không để dẫn đến phải dừng sản xuất. Quyết định đi đến dừng sản xuất là việc "đặng chẳng đừng", không còn lối thoát nào.
Và theo thông tin từ Ban quản lý SHTP đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận các doanh nghiệp nào ở SHTP ngừng sản xuất do Covid-19.
Dù Quyết định 22 cũng có lối mở là sẽ áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nhưng chỉ ngừng một hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu đất, thửa đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.
Liên quan đến quy định này, giới phân tích cho rằng những đối tượng nằm trong trường hợp này sẽ là những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn mới có khả năng mở được nhiều nhà máy, cơ sở, điểm kinh doanh... không thuộc những đối tượng là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ vốn chiếm đa số trong thành phần kinh tế trên cả nước hiện nay.
Quyết định 22 là động thái của Chính phủ nhằm hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn vì Covid-19 theo Nghị quyết 84/2020. Tuy nhiên, việc giảm tiền thuê đất sẽ không gồm số tiền thuê còn nợ của các năm trước và tiền chậm nộp (nếu có).
Lê Hoàng