Đoàn kết, quyết liệt vì 'mục tiêu kép'

Nhận định cuộc chiến chống 'giặc Covid-19' không còn là ngày một ngày hai, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã xác định ứng phó lâu dài. Cùng với những kịch bản đặc biệt đã được ban hành phù hợp tình hình thực tế, mỗi cơ quan, doanh nghiệp (DN) đến người nông dân đều đã có cách ứng phó quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh để duy trì, phát triển kinh tế. Các giải pháp được xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng hướng đến thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Mỗi DN là một “pháo đài” chống dịch

Hơn 2 tháng qua, Công ty TNHH CPV Food, Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ”, góp phần duy trì tốt chuỗi sản xuất, chế biến, đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả. Theo ông Praman Kun Sụt Thi Chai, Giám đốc kỹ thuật công ty, đơn vị đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng chuẩn bị cơ sở vật chất cho 1.100 công nhân vừa lao động sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ. Ngoài ra, công ty còn bố trí các khu vực test nhanh, khử khuẩn, cách ly. Các khu nhà ở lưu trú cho công nhân, khu vực vệ sinh, ăn uống... đều được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ, bảo đảm vừa lưu trú, lao động sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Trọng Kiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CPV Food giới thiệu về bảng thông tin tuyên truyền phòng, chống Covid-19 được đặt tại khu vực nhà ăn của công ty

“Chúng tôi thấy rõ sự đoàn kết lúc này là rất quan trọng. Nếu DN và Nhà nước không có sự đoàn kết, thường xuyên kết nối, trao đổi qua lại thì sẽ khó thành công trong việc vừa điều hành sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid-19” - ông Praman Kun Sụt Thi Chai chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi tại một phòng lưu trú của công nhân nữ, 50 chiếc giường sắt 2 tầng được sắp xếp ngay ngắn, có trang bị đầy đủ nệm, gối, mền... Tại khu vực bếp ăn tập thể, ngoài trang bị bảng thông tin tuyên truyền về Covid-19, số lượng bàn ăn cũng đã giảm một nửa và mỗi bàn ăn đều được tạo vách ngăn để phòng dịch.

Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, DN và người dân, 8 tháng qua, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Chơn Thành đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng đạt hơn 60% kế hoạch năm; doanh thu dịch vụ, tiêu dùng đạt gần 60%; thu ngân sách đạt 92% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao và đạt hơn 67% nghị quyết HĐND huyện thông qua.

Ông HÀ DUY ĐẠT,
Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành

Chị Hồ Thị Bích Trâm, công nhân Công ty TNHH CPV Food cho biết: “Thực hiện “3 tại chỗ”, công ty đã chuẩn bị đầy đủ cho chúng tôi từ chỗ ăn, ngủ, nghỉ đến các chế độ phụ cấp trong ngày nên ai cũng thoải mái, an tâm làm việc. Hơn nữa cùng lưu trú, sinh hoạt với 100 công nhân nữ ở các dây chuyền khác càng tăng thêm tình cảm gắn bó, đoàn kết và vơi bớt nỗi nhớ gia đình”.

Không chỉ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, Công ty TNHH CPV Food còn là một trong những DN hỗ trợ tích cực về tài chính, vật chất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và địa phương nơi công ty đứng chân. Ông Praman Kun Sụt Thi Chai cho biết: Công ty luôn sẵn sàng tham gia và đồng hành với cơ quan nhà nước. Trong đợt dịch này, công ty đã hỗ trợ 30.000 khẩu trang, 400kg thịt gà, 4.000 trứng gà là những sản phẩm công ty tự sản xuất để chia sẻ với địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH CPV Food thăm hỏi động viên tinh thần công nhân thực hiện “3 tại chỗ” - Ảnh: Thổ Thanh

HTX vừa sản xuất vừa hỗ trợ chống dịch

Hợp tác xã (HTX) sản xuất, thương mại, dịch vụ rau an toàn Minh Hưng, huyện Chơn Thành có 7 thành viên chuyên trồng các loại rau xanh, rau gia vị. Thời gian qua, mặc dù các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, tuy nhiên các vườn rau của thành viên HTX vẫn duy trì ổn định sản xuất với giá từ 10-15 ngàn đồng/kg. Thậm chí, với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mặt hàng thiết yếu này sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu. Để đảm bảo nguồn rau xanh cung ứng cho thị trường, các nhà vườn luôn chủ động xuống giống xen canh, đa canh, gối vụ.

Anh Nguyễn Văn Công, Giám đốc HTX chia sẻ: Chúng tôi được sự hỗ trợ của địa phương về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa nên không bị ảnh hưởng về đầu ra. Sản phẩm rau xanh của HTX tiêu thụ hết trên địa bàn thông qua các gian hàng bình ổn giá. Ngoài ra, các thành viên còn tích cực chia sẻ với địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Riêng vườn của gia đình đã ủng hộ công tác hậu cần phục vụ phòng, chống dịch hơn 1 tấn rau xanh.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, những ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vườn rau gia vị của chị Phạm Thị Lan ở khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân (TP. Đồng Xoài) gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, vườn rau của gia đình chị đã ổn định sản xuất và tiêu thụ thông suốt. Theo chị Lan, tùy từng loại rau có giá từ 10-20 ngàn đồng/kg và nhờ sự hỗ trợ của địa phương, HTX rau an toàn trong nhà lưới của phường Tân Xuân trồng đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

HTX rau an toàn trong nhà lưới thành lập năm 2015, có 12 thành viên với 40 ha. Rau xanh là mặt hàng thiết yếu nên trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, với sự vào cuộc quyết liệt của hội, đoàn thể, rau của HTX được các “chuyến xe 0 đồng” vận chuyển miễn phí và kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, điểm bán hàng bình ổn và người dân trên địa bàn. Qua đó góp phần đảm bảo cung - cầu thực phẩm, không gây sốt giá.

Ông NGUYỄN ĐẠI VIỆT,
Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài

Từ những kết quả bước đầu trong lao động, sản xuất của người dân, DN cho thấy Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và kịch bản điều hành kinh tế - xã hội năm 2021 với trạng thái sẵn sàng cao trong phòng, chống dịch của UBND tỉnh đã đi đúng hướng. Các chỉ đạo này không chỉ giúp kiểm soát, phòng chống dịch hiệu quả, mà còn sớm ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/126964/doan-ket-quyet-liet-vi-muc-tieu-kep