Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về công tác lập pháp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu mở đầu phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên được phân công làm Tổ trưởng Tổ 9, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Bến Tre.

Tham gia thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều 27/5. Ảnh: QUỐC LUÂN

Phát biểu tại tổ thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo hoàn thành phiên thảo luận theo đúng nội dung, chương trình kỳ họp. Tại thảo luận, Đoàn ĐBQH Phú Yên có 1 lượt phát biểu của đại biểu Lê Quang Đạo về 2 dự án luật nêu trên.

Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Lê Quang Đạo nhất trí với sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân. Các quy định trong dự thảo luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tương quan về độ tuổi lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động, cơ bản bảo đảm tính khả thi. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân còn nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

ĐBQH Lê Quang Đạo phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Lê Quang Đạo đồng thuận về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật với những căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên qua nghiên cứu dự án luật sửa đổi, bổ sung, đối chiếu với chính sách thứ 4: “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” với khoản 5, Điều 2 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 33 về Khai báo tạm trú và khoản 8, Điều 2 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 45a về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, quy định chỉ có công an mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài; điều này chưa đáp ứng với chính sách đã đưa ra; chưa đồng bộ các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong quản lý cư trú người nước ngoài tại khu vực biên giới, hải đảo, theo các điều ước quốc tế với các nước có chung đường biên giới đã ký kết và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu có chức năng này, cụ thể: Điều 27 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào quy định: “Người xuất, nhập cảnh vào khu vực biên giới của mỗi nước phải mang theo giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới còn giá trị, nếu ở qua đêm phải đăng ký tạm trú với công an cấp cơ sở nơi tạm trú hoặc đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới gần nhất ...; Cư dân biên giới của một nước (trừ trường hợp sử dụng hộ chiếu và giấy/sổ thông hành) nếu muốn tạm trú tại khu vực biên giới của nước kia quá 07 ngày thì phải xin phép đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới gần nhất của nước đến... ”. Đồng thời, Điều 13 Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1983 quy định: “Nếu đương sự muốn lưu lại khu vực biên giới đó quá ba ngày phải có giấy phép của chính quyền xã hoặc đơn vị bộ đội biên phòng gần nhất bên phía mình cấp... ”, theo đó, Điều 15 hiệp định này quy định: “Khi qua biên giới phải xuất trình giấy tờ với đồn, trạm biên phòng làm nhiệm vụ kiểm soát ở đó ...”.

Tại khoản 2 Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”; tại điểm b khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (trong đó Đồn Biên phòng là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Các ĐBQH Phú Yên tham gia phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

Bên cạnh đó, tại Báo cáo số 585/BC-BCA ngày 25/4/2023 về tiếp thu, đổi, bổ sung giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với Hồ sơ dự án luật, Bộ Công an cho rằng việc thống nhất một đầu mối tiếp nhận thông tin khai báo tạm trú đảm bảo công tác thống kê, quản lý. Tuy nhiên, thực tế trong suốt thời gian qua, với các đồn Biên phòng - nguồn lực rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, biên giới, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, rất hiệu quả với lực lượng Công an cấp xã, huyện khu vực biên giới trong công tác quản lý người nước ngoài và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có yếu tố người nước ngoài.

Như vậy, với các quy định của các điều ước quốc tế song phương liên quan đến chế biên giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nêu trên, Bộ đội Biên phòng cũng là đơn vị có thẩm quyền trong việc quản lý kiểm soát việc tạm trú và tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài tại khu vực biên giới.

Từ những vấn đề trên, đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị: Tại khoản 5, Điều 2 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 33 về Khai báo tạm trú và khoản 8, Điều 2 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 45a về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan: bổ sung thêm cụm từ “hoặc đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất” vào sau cụm từ “đồn, trạm công an” để đảm bảo tính tương thích với Điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết với Lào, Campuchia; tính đồng bộ, thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã ban hành và phù hợp thực tiễn chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; tránh tình trạng sửa luật này xong phải sửa đổi nhiều luật khác.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cho rằng các ý kiến rất trách nhiệm, xác đáng. Đồng chí Phạm Đại Dương đề nghị tổ thư ký tổng hợp đầy đủ những ý kiến của các vị ĐBQH báo cáo Quốc hội.

QUỐC LUÂN (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299085/doan-dbqh-tinh-phu-yen-thao-luan-tai-to-ve-cong-tac-lap-phap.html