Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang làm việc với PC Kiên Giang và Truyền tải điện miền Tây 3

Vừa qua, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang đã làm việc với Công ty điện lực Kiên Giang và Truyền tải điện miền Tây 3.

Vừa qua, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang đã làm việc với Công ty điện lực Kiên Giang và Truyền tải điện miền Tây 3 về giám sát chuyên đề theo Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.

Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang, Ban Giám đốc và các phòng nghiệp vụ Công ty điện lực Kiên Giang và Truyền tải điện miền Tây 3.

Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tại buổi làm việc ngày 8/3/2023

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Bé – Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang nêu lên các vấn đề trọng tâm cần phải thảo luận, đánh giá nhằm đạt kết quả cao nhất qua giám sát, mục tiêu là đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021, các nội dung trọng tâm thảo luận tại hội nghị bao gồm: (1) Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; (2) Hiện trạng và khả năng phát triển các nguồn năng lượng tại địa phương, đặc biệt là năng lượng tái tạo; quy hoạch phát triển hạ tầng lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiêu chí mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; (3) Kết quả triển khai Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 28/6/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nội dung được các đại biểu trao đổi thảo luận tại buổi làm việc bao gồm nững vấn đề gắn với thực tiễn phát triển năng lượng tại địa phương thời gian qua; tiềm năng, xu hướng phát triển năng lượng trong thời gian tới, nhất là việc phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Kiên Giang, ưu tiên đầu tư phát triển lưới điện, nâng cao tỉ lệ số hộ có điện đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và tự động hóa trong phát triển năng lượng cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hứa Thanh Nhàn – Giám đốc Công ty điện lực Kiên Giang cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển lưới điện, đảm bảo cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Kiên Giang với độ tin cậy ngày càng cao. Tỉ lệ số hộ dân có điện hiện tại đạt trên 99,6%, trong đó chỉ còn 03 xã đảo chưa có điện lưới quốc gia (hiện nay đang sử dụng nguồn phát diesel) là An Sơn, Nam Du, Thổ Chu và cũng đã có kế hoạch đầu tư phát triển nguồn, lưới điện tại các xã đảo này.

Bên cạnh đó, Công ty điện lực Kiên Giang nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành tại địa phương trong việc đầu tư phát triển lưới điện, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo ông Hứa Thanh Nhàn, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn cho việc phát triển lưới điện vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp vốn để thực hiện. Vì vậy, công ty kiến nghị đến đoàn đại biểu quốc hội: (1) Xem xét kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương, Chính phủ có cơ chế cấp vốn cho đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, miền núi và hải đảo; (2) UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Qua những nội dung đã trao đổi tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận những kiến nghị của ngành điện và sẽ có kiến nghị đối với Quốc hội về việc bố trí nguồn vốn cho phát triển lưới điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Đồng thời cùng đánh giá những khó khăn, và kết quả đạt được của ngành điện trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như sau:

Về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chuyên đề bao gồm: Một số văn bản hướng dẫn của trung ương, việc tổ chức thi hành Luật còn chậm, cụ thể như việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa nhất quán từ lúc triển khai đến lúc hoàn thành đưa vào vận hành; Nguồn vốn đầu của ngành điện còn hạn chế, phải tự cân đối, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển tại địa phương, việc ứng từ vốn ngân sách để đầu tư không thực hiện được do quy định của Luật đầu tư công; Ngành điện hoạt động theo luật doanh nghiệp, ngoài ra còn thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn từ Chính phủ nên gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn xảy ra nhiều nơi, nhưng công tác xử lý còn hạn chế, ảnh hưởng đến an ninh mạng lưới điện, khó khăn trong quản lý; Việc cung ứng dịch vụ của ngành điện đảm bảo tốt, tuy nhiên hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng, trình độ dân trí chưa phù hợp...

Qua việc đánh giá những khó khăn nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Bé tiếp tục cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành điện cùng ngành truyền tải địa phương đã đạt được những những kết quả khả quan như: Ngành điện đã quán triệt thực hiện nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch của ngành và của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đã tham mưu cùng với Lãnh đạo chính quyền địa phương và Tổng công ty để phát triển lưới điện đồng bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là khu vực xã đảo, Phú Quốc, đây là nỗ lực rất lớn của ngành điện; Kịp thời đáp ứng đổi mới trong ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát hoạt động của ngành điện, nâng cao năng lực và tinh gọn bộ máy; Phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt, đảm bảo mạng lưới điện an toàn và đảm bảo an ninh năng lượng; Tham gia, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện trong dân.

Phạm Kỳ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-kien-giang-lam-viec-voi-pc-kien-giang-va-truyen-tai-dien-mien-tay-3-245721.html